Nhà thầu QL 5 đau đầu vì sửa xong đường vẫn hỏng

Thứ ba - 01/07/2014 13:00. Xem: 116
Những ngày này, nhà thầu thực hiện dự án sửa chữa 10km QL5 đoạn từ cầu Cái Tắt đến ngã 3 đường ra cảng Đình Vũ (gói thầu số 11) đang khẩn trương khắc phục các vị trí bị lún, trồi sống trâu để bảo đảm ATGT. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên cũng như quan điểm của đại diện nhà thầu, dù đây là đợt sửa đường thứ 4, song với những thực tế hiện tại, việc khắc phục được cho là chỉ mang tính...tình thế!!!   

 

Hầu hết tình trạng trồi sống trâu tập trung ở những vị trí xe dừng chờ đèn đỏ.
Hầu hết tình trạng trồi sống trâu tập trung ở những vị trí xe dừng chờ đèn đỏ
 
Lún đường tập trung tại khu vực xe chờ đèn đỏ...
 
13h30 ngày 30/6, theo quan sát của phóng viên, QL5 đoạn từ cầu Cái Tắt (Km 94) đến khu vực ngã 3 đường vào cảng Đình Vũ (Km 104+600) vốn đã chật, lại tập trung chủ yếu các phương tiện xe tải nặng và container loại 5 và 6 trục lưu thông tấp nập trên cả hai chiều đường.
 
Nhà thầu đang cào bóc các vị trí trồi sống trâu để đảm bảo việc đi lại êm thuận và an toàn. Ghi nhận trên tuyến, chúng tôi thấy hầu hết các vị trí bị trồi sống trâu đều tập trung xuất hiện tại những ngã 3, ngã 4, nơi phương tiện dừng chờ đèn tín hiệu và tập trung vào phần làn đường dành cho xe tải. Cùng đó, độ dài của vệt trồi sống trâu phụ thuộc vào những vị trí cụm tín hiệu đèn có lượng xe dồn lại dài hay ngắn.
 
Mỗi chu kỳ đèn kéo dài khoảng 30 giây, sau khi đèn chuyển tín hiệu màu xanh, tất cả các xe tải nặng đều phải lấy đà để tăng tốc và điều này lý giải tại sao toàn bộ 7 vị trí ngã 3, ngã 4 có tín hiệu đèn, nơi các phương tiện dừng chờ đèn xanh đều hình thành vệt hằn sống trâu, trong khi đó, cả đoạn đường dài phía bên kia tín hiệu đèn, tình trạng lún đường không xuất hiện nhiều.
 
Anh Mai Chí Hiểu, phụ trách bộ phận đếm xe tại đây cho chúng tôi con số thống kê ngẫu nhiên từ 4h đến 6h sáng ngày 29/9 cho thấy chỉ riêng chiều Hà Nội đi Hải Phòng đã có đến gần 400 lượt xe container loại 5 và 6 trục lưu thông.  Tương tự trong 2 giờ đồng hồ từ 12 đến 14h ngày 30/6 có 300 lượt xe container và xe tải nặng loại 5 và 6 trục lưu thông chiều Hà Nội đi Hải Phòng và 260 lượt xe cùng chủng loại lưu thông chiều ngược lại.
ảnh (1).JPG
Giờ cao điểm có tới vài trăm lượt xe container, xe tải hạng nặng
lưu thông trên đường
Bản thân phóng viên cũng đã chứng kiến vào thời điểm 14h50 phút, 800m đường từ ngã 4 ác quy đến ngã tư trước khu vực đài tưởng niệm liệt sỹ Hồng Bàng kín đặc lượng xe container và xe tải nặng xếp hàng rồng rắn.
 
Anh Nguyễn Đức Hà, làm nghề xe ôm tại ngã 3 cầu Niệm cho chúng tôi biết, không chỉ có xe container mà lượng xe sơmi, rơ mooc chở sắt hoạt động ban đêm trên tuyến đường khá nhiều, có những xe cõng trên mình từ 4 đến 5 cuộn thép tròn (bình quân mỗi cuộn thép tròn nặng 24 tấn - PV).
 
10 tỉ đồng, 3 lần sửa, đường vẫn bị lún
 
Phó Chỉ huy trưởng công trường thi công, Kỹ sư Trần Văn Tào cho chúng tôi biết, QL5 đoạn từ Km 94 đến 104+600 thuộc gói thầu số 11 được sửa chữa theo quy mô sửa vá những vị trí bị nứt mặt đường bằng bê tông nhựa rỗng sau đó được tăng cường mặt đường bằng lớp bê tông nhựa chặt 12.5 dày 5cm: “ Quá trình thi công, đơn vị áp dụng hoàn toàn công nghệ truyền thống và thi công tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật cho phép. Tuy nhiên, với tình hình thực tế là tại các vị trí xe chờ đèn đỏ, các xe có tải trọng nặng, kết hợp với hiện tượng trùng phục vệt bánh xe, trong khi nhiệt độ ngoài trời khiến mặt đường có lúc nóng trên 60 độ, thời điểm đó, xe tải nặng chạy chậm rồi tăng tốc khi hết tín hiệu đèn đã khiến mặt đường không thể chịu nổi tải trọng xe, hiện tượng này xảy ra hầu hết với các khu vực trạm thu phí khi xe vào luồng soát vé”, Kỹ sư Tào nói. 
Ngoài ra, mặt đường còn bị lún tại nơi xe dừng vào cửa soát vé trước trạm thu phí
Ngoài ra, mặt đường còn bị lún giống các điểm xe dừng vào cửa soát vé trước trạm thu phí trên các quốc lộ
 
Cũng theo đại diện của nhà thầu, thì Gói thầu số 11 được hoàn thành vào  tháng 6/2013, tuy nhiên đến nay nhà thầu đã phải 3 lần bóc đi, thảm lại tại các vị trí có tín hiệu đèn nêu trên, thậm chí riêng đoạn đường 300m từ phía Bắc cầu An Đồng nối vào khu vực đèn đỏ chiều Hải Phòng đi Hà Nội đã phải thảm lại lần thứ 4 do các xe tải nặng từ trên cầu xuống phanh lại chờ tín hiệu đèn gây nên lún đường.
 
“Đến hiện tại, nhà thầu đã thảm lại tổng số 20.000m2 m mặt đường tại những vị trí bị hư hỏng, số kinh phí khắc phục cũng lên đến cả chục tỉ đồng. Quá trình sửa đường, Tư vấn giám sát ăn ngủ tại trạm để kiểm tra vật liệu, giám sát quy trình một cách chặt chẽ, bản thân nhà thầu cũng đã dùng loại đá từ nguồn đá Thống Nhất tại Hải Dương được đánh giá tốt nhất của khu vực, nhựa đường là loại nhựa đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên, sửa xong đường vẫn cứ lún”, Kỹ sư Trần Văn Tào lo ngại.
 
Hiện tại, theo đại diện nhà thầu, việc sửa đường tới đây cũng tiêu tốn ngót nghét số tiền đã bỏ ra thời gian qua. Khoản kinh phí này trước mắt cũng sẽ do nhà thầu tự  bỏ ra cùng với việc đưa công nghệ sử dụng bê tông nhựa Polime 3 có giá thành cao gấp 3 lần bê tông nhựa thông thường để xử lý các vị trí bị lún trong tháng 7. Tuy nhiên, theo Kỹ sư  Trần Văn Tào, cái khó hiện nay nhà thầu hết sức lo ngại là liệu sửa xong đường có bị hỏng trở lại vì những lý do nêu trên(!?).
 
Nguồn: atgt.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thành viên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây