Theo báo cáo của Công ty cổ phần Vận tải Sài Gòn, đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, hiện đang tiến hành vận chuyển than, alumin và hóa chất (xút lỏng) từ cảng Vạn An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cảng Gò Dầu, tỉnh Đồng Nai về Nhà máy Alumin Tân Rai thuộc Dự án tổ hợp bô xít Lâm Đồng. Để phục vụ Dự án tổ hợp bôxít Lâm Đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam đã có văn bản đề nghị cho phép 70 đến 80 xe đầu kéo sơmi rơ moóc loại 5-6 trục được phép tham gia vận chuyển và Bộ GTVT thống nhất cho phép các phương tiện đầu kéo sơmi rơ moóc được vận chuyển phục vụ Dự án nói trên.
Cầu La Ngà tại Km35+707 Quốc lộ 20, tỉnh Đồng Nai
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Sài Gòn Nguyễn Thành Nam, hiện nay việc vận chuyển phục vụ Dự án đang gặp khó khăn trong vấn đề quá tải trọng hàng hóa khi qua cầu La Ngà. Để khắc phục khó khăn này, Công ty cổ phần Vận tải Sài Gòn đã xây dựng 2 trạm trung chuyển tại 2 đầu cầu La Ngà (Đồng Nai) để hạ tải qua cầu theo quy định. Tuy nhiên, việc hạ tải và trung chuyển chỉ có thể tiến hành đối với than và alumin. Riêng xút lỏng nồng độ 45% là hàng hóa nguy hiểm, được đặt trong xi téc chứa hóa chất có đầy đủ chứng nhận chất lượng thiết bị chuyên dụng do Bộ Công thương cấp không thể hạ tải và trung chuyển qua cầu La Ngà bằng bất cứ phương thức nào.
Vì vậy, Công ty Cổ phần Vận tải Sài Gòn đề nghị Bộ GTVT và các cơ quan liên quan xem xét cấp phép lưu hành xe quá tải trọng trên đường bộ cho 10 xe đầu kéo và sơmi rơ moóc bồn chở xút lỏng vận chuyển trên tuyến đường (QL51 và QL20) từ cảng Vạn An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cảng Vopak, tỉnh Đồng Nai về nhà máy Alumin Tân Rai thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng với tổng tải trọng từ 52 đến 54 tấn, nhằm tạo điều kiện cho Công ty có thể phục vụ kịp thời cho Dự án bô xít Lâm Đồng.
Về nội dung này, ông Bùi Khắc Điệp, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cho biết, ngày 16/6/2014, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông đã chủ trì làm việc với Viện KHCN GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Vụ KHCN nhằm đề xuất phương án cắm biển hạn chế tải trọng cầu La Ngà theo quy định. Trên cơ sở kết quả kiểm định năm 2011, Viện KHCN GTVT đề xuất cắm biển tải trọng cầu La Ngà đối với xe thân liền là 23T, xe đầu kéo sơmi rơ moóc 29T và xe kéo rơ moóc 33T.
Để nâng cao khả năng khai thác cho cầu La Ngà cũ phục vụ cho Dự án sản xuất alumin trong khi chưa xây dựng xong cầu La Ngà mới, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông kiến nghị trước mắt giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ IV kiểm tra tình trạng kỹ thuật của cầu La Ngà, cấp phép xe quá tải trọng qua cầu La Ngà với điều kiện lưu thông đặc biệt và điều tiết của Thanh tra giao thông tại hai đầu cầu.
Trên cơ sở kiến nghị của Công ty cổ phần Vận tải Sài Gòn, báo cáo của các cơ quan tham mưu thuộc Bộ về việc lưu hành xe quá tải trọng qua cầu La Ngà, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh đây là tuyến đường huyết mạch từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tây Nguyên, tuyến có lưu lượng vận tải lớn, đặc biệt là vận chuyển bô xít, than và xút lỏng phục vụ cho Dự án sản xuất bô xít Lâm Đồng. Do vậy, cần phải được kiểm định, kiểm soát chặt chẽ các xe quá tải trọng qua cầu La Ngà nhằm bảo đảm an toàn cho công trình cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu từ kết quả kiểm định, Viện KHCN GTVT rà soát lại số liệu, tính toán lại một số thông số, tối đa có thể nâng tải trọng khai thác của cầu; Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông rà soát lại kết quả, tham mưu báo cáo Bộ về phương án cắm biển hạn chế tải trọng theo quy định. Thứ trưởng cũng yêu cầu việc điều tiết giao thông phải được tổ chức tốt, đối với những xe lưu thông cần phải kiểm soát vượt ngưỡng tải trọng quy định; nhà đầu tư BT QL20 chủ trì, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng phương án điều tiết giao thông, bảo đảm an toàn.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện