Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp
Theo đơn vị Tư vấn - Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), phạm vi nghiên cứu Quy hoạch hầu như toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trong đó trực tiếp đi qua địa phận của 56 tỉnh, thành phố, thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, trong nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phạm vi còn mở rộng thêm các tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Về nguyên tắc, điều chỉnh các tuyến cao tốc được xem xét lại dựa trên dự báo lưu lượng giao thông; các quy hoạch và các đề xuất liên quan. Cụ thể, điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam: tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn dài 33km; một số đoạn tuyến của đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội dài hơn 260km; tuyến Tuyên Quang - Đoan Hùng (Phú Thọ) dài 18km; tuyến Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 133km.
Tổng giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn phát biểu và giải đáp một số nội dung tại cuộc họp
Tổng giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn cho biết, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải, nguồn kinh phí đầu tư, khả năng hoàn vốn trong xây dựng các tuyến đường cao tốc và đảm bảo sớm hình thành các trục cao tốc làm động lực trọng cho phát triển kinh tế, ngoài việc xem xét điều chỉnh tiến trình đầu tư các tuyến cao tốc hợp lý, cần thiết phải xem xét đề xuất quy mô xây dựng phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc sao cho phù hợp với nguồn vốn đầu tư và đảm bảo tính hiệu quả của dự án; do đó, ông Phạm Hữu Sơn đề xuất Bộ quy mô đầu tư phân kỳ một số tuyến cao tốc trong giai đoạn đầu với 2 làn xe.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho rằng, báo cáo đầu kỳ điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 Tư vấn nghiên cứu còn thiếu thông tin, số liệu, cần phải bổ sung, cập nhật đầy đủ. Cần lập bảng chi tiết quy hoạch cũ, quy hoạch mới, những đoạn thêm, bớt, những đoạn quy hoạch trước năm 2020, đoạn quy hoạch sau năm 2020 để có thuyết minh sơ bộ, kèm theo các minh chứng cụ thể. Bên cạnh đó, cần phân kỳ đầu tư thành các giai đoạn và ngay trong giai đoạn phân kỳ đầu tư này, phải nghiên cứu rõ ràng, phù hợp với tổ chức giao thông; đồng thời cũng phải nghiên cứu kỹ quan niệm về cao tốc 2 làn xe, chất lượng điều chỉnh quy hoạch…
Quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 5.873 km
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu trên cơ sở Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, Tư vấn tập trung nghiên cứu kỹ nội dung điều chỉnh về quy mô, tuyến, phân kỳ đầu tư; trong đó làm rõ những nội dung bổ sung mới, những tuyến kéo dài, quy mô từ 2 - 4 làn xe; các tuyến đường cao tốc trong Quy hoạch được hoạch định với quy mô hoàn chỉnh, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có thể phân kỳ xây dựng để phù hợp với lưu lượng xe và khả năng huy động nguồn vốn.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu nhằm tránh việc điều chỉnh lại, việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2030 để phù hợp với sự phát triển, dần dần đường cao tốc sẽ thay thế quốc lộ chính, bức tranh về đường cao tốc Việt Nam sẽ nhiều hơn quốc lộ chính hiện nay. Thứ trưởng yêu cầu nghiên cứu tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc ở các vùng kinh tế trọng điểm (như Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Huế, Cần Thơ - TP Hồ Chí Minh - Bà Rịa Vũng Tàu...), bổ sung một số trung tâm kinh tế mới để kết nối đường cao tốc, kết nối các tuyến cao tốc với các nước trong khu vực, đường Xuyên Á.
Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ quan điểm của Chính phủ về xây dựng đường cao tốc: xây dựng mạng đường bộ cao tốc quốc gia hoàn chỉnh, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của đất nước để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, nhằm nhanh chóng hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu chính, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao.
Quy hoạch đã xác lập mạng đường bộ cao tốc Việt Nam gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 5.873km. Cụ thể, tuyến cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 3.262km (gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài khoảng 1.941km và tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài khoảng 1.321 km); hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc gồm 7 tuyến hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 1.099km; hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên, gồm 3 tuyến với tổng chiều dài 264km (Hồng Lĩnh - Hương Sơn dài 34km, Cam Lộ - Lao Bảo dài 70km, Quy Nhơn - Pleiku dài 160km); hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam gồm 7 tuyến với tổng chiều dài 984km. Ngoài ra, còn có hệ thống đường vành đai cao tốc tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với tổng chiều dài khoảng 264km.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện