Theo kế hoạch dự kiến, Hội nghị sẽ được tổ chức vào sáng ngày 25/4 (Thứ Sáu), tại Hội trường tầng 2, nhà D, Bộ GTVT (Hà Nội), với sự tham dự của Lãnh đạo Bộ GTVT; các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các cơ quan của Bộ GTVT; Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam; các Sở GTVT; các tổng công ty, công ty trong và ngoài ngành.
Thí điểm cào bóc tái chế Dự án sửa chữa, khôi phục mặt đường QL5
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ được nghe các báo cáo, tham luận về công nghệ cào bóc tái sinh nguội đã áp dụng ở Việt Nam và tại Dự án sửa chữa, khôi phục mặt đường QL5; đánh giá hiệu quả về kinh tế - kỹ thuật, môi trường của hai công nghệ cào bóc tái chế cũng như ưu, nhược điểm của công nghệ, có so sánh giá thành với giải pháp thi công truyền thống; theo dõi đánh giá, giám sát về quá trình thi công và vấn đề đảm bảo chất lượng thi công công nghệ cào bóc tái sinh đã áp dụng tại QL5 và các đề xuất, kiến nghị sửa đổi bổ sung Quy định kỹ thuật đã được Bộ GTVT ban hành.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ được nghe báo cáo của hai nhà thầu sở hữu công nghệ (Công ty TNHH Infrasol và Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty TNHH Hall Brothers) về quá trình triển khai thi công, những thuận lợi, khó khăn; đồng thời báo cáo về công tác thí nghiệm phục vụ cho quá trình thiết kế và kiểm soát chất lượng công trình.
Được biết, công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ kết cấu mặt đường đang được áp dụng rộng rãi tại các nước tiên tiến trên thế giới. Công nghệ này sử dụng dây chuyền thiết bị liên hoàn, bao gồm máy rải xi măng, máy chứa nhũ tương, máy chứa nước và máy chủ được tiến hành đồng thời hai chức năng là cào bóc và tái chế. Quy trình thi công bao gồm việc cào bóc lớp mặt đường bê tông nhựa và lớp cấp phối đá dăm bị hư hỏng đưa vào buồng trộn tái chế. Đến phần tái chế sẽ tiến hành phay trộn đều vật liệu cào bóc, phun nước và nhũ tương đặc biệt theo tỷ lệ quy định để tạo ra vật liệu mới và trải ra mặt đường.
Ưu điểm của công nghệ cào bóc tái chế là tận dụng lại toàn bộ vật liệu cũ, không khai thác vật liệu mới, hạn chế tác hại đến môi trường và rất phù hợp tại những vùng khan hiếm mỏ vật liệu. Với dây chuyền hiện đại, tốc độ thi công nhanh, thông thường từ 3 - 5m/phút, thi công không dàn trải, ít hoặc không sử dụng vật liệu nên rất thích hợp khi thi công trên đường đang lưu thông. Ngoài ra, công nghệ cũng còn một số ưu điểm khác như: không tôn cao mặt đường hiện tại, thông xe trực tiếp trên bề mặt lớp tái chế sau 1 - 3 ngày, rất thích hợp với duy tu, bảo dưỡng đường bộ.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện