Tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển ngành giao thông vận tải

Thứ sáu - 02/10/2020 13:00. Xem: 173
 Thời gian qua, với quyết tâm cùng sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, công nhân viên và người người lao động, vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải (KH&CN GTVT) vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu - triển khai, tư vấn và dịch vụ KH&CN...., đóng góp thiết thực vào sự phát triển của ngành và đất nước. Đây là những nhận định của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học tại Hội nghị KH&CN năm 2020: Hướng tới phát triển bền vững do Viện KH&CN GTVT tổ chức ngày 2/10/2020

 Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ

Giai đoạn 2016-2020, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ GTVT, sự ủng hộ của Bộ KH&CN, Viện KH&CN GTVT đã triển khai thực hiện thành công 1 đề tài cấp nhà nước, 68 đề tài cấp bộ, xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền 55 TCVN..., góp phần đáp ứng yêu cầu thực tế của ngành GTVT. Điển hình là đề tài độc lập cấp nhà nước: “Nghiên cứu chế tạo hệ thống giám sát tự động và điều khiển tập trung cho thiết bị tín hiệu đường ngang” vừa được nghiệm thu năm 2019. Đề tài đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống giám sát và điều khiển tập trung của hệ thống phòng vệ đường ngang. Đây là hệ thống tiên tiến có tác dụng giám sát liên tục các trạng thái động (khi có tàu) và trạng thái tĩnh (khi không có tàu). Đặc biệt, các thiết bị của hệ thống phòng vệ có độ an toàn, tin cậy cao, giúp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí khai thác trong công tác cảnh báo tại đường ngang. Thông qua việc thực hiện đề tài, các nhà khoa học trong nước đã làm chủ hoàn toàn công nghệ thiết kế, chế tạo trang thiết bị, hệ thống điều khiển giám sát hệ thống thiết bị tín hiệu đường ngang đạt chuẩn quốc tế...

Với bề dày kinh nghiệm và uy tín trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Viện đã được Bộ GTVT giao thực hiện công tác rà soát, đánh giá về hiện trạng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực GTVT của Việt Nam và trên thế giới; từ đó có báo cáo, tham mưu cho Bộ về định hướng xây dựng và thứ tự ưu tiên thực hiện xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển KH&CN trên thế giới. Bên cạnh đó, hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ của Viện cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều công nghệ mới, vật liệu mới, kỹ thuật thi công kết cấu hạ tầng giao thông mới đã được áp dụng vào các lĩnh vực đường bộ, đường cao tốc, sân bay, cầu, hầm, cảng biển, đường sắt, nền móng công trình... Điển hình như: đã và đang thử nghiệm công nghệ Micro-surfacing theo công nghệ của Tập đoàn Colas, vật liệu tái chế nguội tại chỗ sử dụng hỗn hợp Polymer PT2A, phương pháp gia cố nền đất xây dựng bằng cọc xi măng đất theo công nghệ MITS-CMS, công nghệ tái chế nóng bê tông nhựa với hàm lượng RAP 25-75% tại trạm trộn…

Ngoài ra, để chủ động thích ứng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), Viện KH&CN GTVT cũng đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ KH&CN của CMCN 4.0 như: vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (Cyber - Physical Systems) công nghệ na nô, tự động hóa… vào thực tế quản lý và sản xuất của ngành GTVT ở tất cả các lĩnh vực: xây dựng, quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT, công nghiệp GTVT, quản lý phượng tiện và người lái, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường trong GTVT, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành GTVT…

Hướng đến phát triển bền vững

Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao chất lượng các công trình GTVT... PGS.TS Nguyễn Xuân Khang - Viện trưởng Viện KH&CN GTVT cho biết, thời gian tới Viện sẽ chủ động và tập trung giải quyết những vấn đề kỹ thuật, nghiên cứu giải mã những công nghệ trọng yếu phát sinh trong thực tế sản xuất ở tất cả các lĩnh vực của ngành GTVT, đặc biệt chú trọng tới giải pháp tiếp cận cuộc CMCN 4.0, lĩnh vực ITS, đường sắt đô thị, cảng biển và hàng không; tiếp tục nghiên cứu những công nghệ mới, thử nghiệm các loại vật liệu mới trong xây dựng, bảo trì, sửa chữa tăng cường kết cấu công trình giao thông phù hợp với từng vùng miền...; tổ chức biên soạn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật... phục vụ công tác quản lý chất lượng của ngành GTVT; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển KH&CN; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất, tạo đà cho Viện phát triển bền vững.

Phong Vũ - Lê Bắc

Tác giả: admin

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây