Họp Hội đồng KHCN cấp Bộ đánh giá đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chụp ảnh viễn thám sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong khảo sát sụt trượt các tuyến giao thông ở Việt Nam” mã số DT164067

Thứ năm - 24/05/2018 13:00. Xem: 179
Ngày 25/5/2018, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp Hội đồng KHCN đánh giá đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ chụp ảnh viễn thám sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong khảo sát sụt trượt các tuyến giao thông ở Việt Nam” do ThS. Nguyễn Kim Thành làm chủ nhiệm.

Chủ trì cuộc họp PGS.TS. Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ GTVT, cùng các thành viên Hội đồng theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT và nhóm nghiên cứu.

 Viễn thám là công nghệ giúp thu thập thông tin về các đối tượng trên bề mặt trái đất mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Công nghệ viễn thám được phát triển từ khi con người phát minh ra máy bay và thiết bị chụp ảnh, sự phát triển vượt bậc của viễn thám khi con người sử dụng vệ tinh địa tĩnh để có những nghiên cứu ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau. Trong những năm gần đây, việc ra đời của thiết bị bay không người lái (UAV) trên thế giới với ưu điểm nhỏ gọn, chi phí vận hành thấp, tính cơ động cao đồng thời cho phép chụp ảnh viễn thám có chất lượng tốt, cho phép khảo sát các vị trí sụt trượt hay giám sát linh hoạt. Ảnh chụp từ UAV sau khi được phân tích và áp dụng các thuật toán tái cấu trúc hình ảnh có thể xây dựng bản đồ địa hình với phạm vi đủ rộng với thời gian ngắn để nghiên cứu hướng tuyến và khu vực mà với các phương pháp truyền thống không cho phép do chi phí quá lớn và thời gian thực hiện lâu, do đó người kỹ sư thiết kế có nhiều lựa chọn trong cách nhìn nhận tổng quan để lựa chọn được phương án tối ưu nhất cho dự án phòng chống sụt trượt cũng như định hướng tuyến trong công tác khảo sát sơ bộ.

 Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu, xây dựng quy trình bay bằng thiết bị UAV để chụp ảnh, phục vụ mục đích nghiên cứu sụt trượt ở Việt Nam; Đề xuất chụp ảnh bằng UAV trong khảo sát phục vụ thiết kế công trình giao thông qua miền núi.

 Tại cuộc họp, chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt các nội dung nghiên cứu sau:

  1. Nghiên cứu công nghệ chụp ảnh viễn thám sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) cho công tác khảo sát sụt trượt trên thế giới.
  2. Nghiên cứu lựa chon thiết bị bay UAV phù hợp cho khảo sát địa hình trượt đất và tuyến giao thông qua miền núi ở Việt Nam
  3. Nghiên cứu quy trình ứng dụng UAV trong khảo sát các điểm sụt trượt trên tuyến giao thông.
  4. Nghiên cứu, đề xuất sử dụng ảnh chụp bằng UAV trong khảo sát phục vụ thiết kế công trình giao thông qua miền núi.
  5. Dự thảo chỉ dẫn ứng dụng thiết bị bay UAV trong khảo sát địa hình miền núi.
  6. Ví dụ ứng dụng thiết bị bay UAV trong khảo sát các điểm tại một số tuyến đường giao thông ở Việt Nam.

Sản phẩm của đề tài gồm có:

+ Báo cáo tổng kết khoa học Đề tài;

+ Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài.

+ Dự thảo quy trình bay chụp điểm trượt đất bằng thiết bị bay UAV;

+ Dự thảo quy trình lập bình đồ số địa hình phục vụ khảo sát thiết kế các tuyến đường qua miền núi bằng ảnh UAV

+ Bài báo đăng trên tuyển tập Hội thảo khoa học

 Từ kết quả bước đầu về nghiên cứu ứng dụng UAV cho khảo sát sụt trượt đất mở ra một phương pháp tiếp cận mới để đánh giá rủi ro trượt đất bằng phương pháp chụp ảnh bằng thiết bị UAV ở Việt Nam. Với sự phát triển nhanh chóng, đa dạng của các dòng sản phẩm UAV chuyên dụng phục vụ cho công tác trắc địa bản đồ, công nghệ UAV có khả năng thay thế công nghệ đo toàn đạc mặt đất trong tương lai gần.

 Việc lựa chọn UAV phù hợp với điều kiện Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao trong công tác khảo sát địa hình các điểm sụt trượt. Các kết quả thực nghiệm hiện trường ở 3 khu vực với các giai đoạn thời gian khác nhau với cùng các đặc điểm điều kiện tự nhiên, khí hậu cho thấy thiết bị bay UAV được lựa chọn phù hợp cho công tác khảo sát trượt đất cũng như lập bình đồ số khảo sát tuyến đường giao thông

 Đề tài đã được Hội đồng đánh giá đạt Mức A và được các thành viên hội đồng nhất trí kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao, có thể tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu để đóng góp vào các hoạt động thực tiễn của Ngành GTVT. Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu bổ sung các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu.

 

Một số hình ảnh cuộc họp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây