Bê tông nhựa nóng (HMA) thường được sản xuất tại trạm trộn cưỡng bức hoặc trạm trộn liên tục trong khoảng nhiệt độ từ 140 độ C đến 160 độ C. Nhiệt độ đó là cần thiết để làm khô các hạt cốt liệu, bao bọc các hạt cốt liệu với nhựa đường nhằm tạo ra hỗn hợp HMA có tính công tác tốt và có đủ thời gian để lu lèn ngoài hiện trường. Đối với hỗn hợp HMA sử dụng nhựa đường cải thiện hoặc nhựa đường cao su, nhiệt độ để sản xuất hỗn hợp HMA thường được đòi hỏi cao hơn nữa. Trên thế giới, từ những năm 1970, đã có nhiều nhà nghiên cứu cố gắng giảm nhiệt độ trộn/đầm nén của HMA bằng cách làm ẩm cốt liệu, tạo bọt nhựa đường và sử dụng nhũ tương nhựa đường để chế tạo hỗn hợp bê tông nhựa. Giảm nhiệt độ sản xuất và nhiệt độ rải của HMA có thể tạo nên nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường và thậm chí tính năng sử dụng sau này, sản phẩm đó hiện nay được gọi là bê tông nhựa ấm (WMA). Hỗn hợp WMA được sản xuất với nhiệt độ thấp hơp so với hỗn hợp HMA từ khoảng 28 độ C đến 45 độ C với các chỉ tiêu kỹ thuật thấp hơn không nhiều hoặc tương đương với hỗn hợp HMA. Công nghệ này giờ đây không những áp dụng cho mặt đường bê tông nhựa chặt thông thường mà đã áp dụng cho mặt đường bê tông nhựa cấp phối hở và mặt đường tái chế (RAP).
Công nghệ WMA đã được thế giới đánh giá là một trong những giải pháp rất quan trọng góp phần giảm thiểu sự ấm lên toàn cầu, chính vì vậy tại nhiều nước trên thế giới công nghệ này đã được áp dụng rộng rãi trong xây dựng và bảo trì đường bộ. Việt Nam là nước đang phát triển; có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, lắm nắng nhiều mưa; khoảng cách các trạm trộn xa nhau; điều kiện giao thông phức tạp; đồng thời Việt Nam cũng đã tham gia cam kết sâu rộng trong các nghị định thư về chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vì vậy, việc nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới như WMA tại Việt Nam là cần thiết và cần sớm được quan tâm triển khai.
Hình ảnh báo cáo nghiệm thu cấp Bộ tại Bộ GTVT
Chế tạo hỗn hợp WMA từ thiết bị tạo bọt trong phòng Wirtgen WLB 10S
Thí nghiệm LVBX cho các mẫu WMA
Thí nghiệm khả năng nhạy cảm độ ẩm (Moisture Susceptibility) cho WMA
Năm 2017, Bộ GTVT giao cho Viện KH&CN GTVT triển khai nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu áp dụng công nghệ mặt đường bê tông nhựa ấm – Warm Mix Asphalt hiện đại trong xây dựng và bào trì đường bộ tại Việt Nam” do TS. Bùi Ngọc Hưng làm chủ nhiệm đề tài. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, ngày 24/5/2018, tại Bộ GTVT, Nhóm nghiên cứu đã báo cáo nghiệm thu cấp Bộ với các nội dung chủ yếu sau:
- Nghiên cứu tổng quan về các công nghệ mặt đường bê tông nhựa ấm trên thế giới và ở Việt Nam
- Nghiên cứu các loại vật liệu chế tạo bê tông nhựa ấm và yêu cầu kỹ thuật
- Nghiên cứu lựa chọn phương pháp thiết kế thành phần bê tông nhựa ấm phù hợp với điều kiện Việt Nam
- Nghiên cứu về công nghệ, thiết bị sản xuất và thi công mặt đường bê tông nhựa ấm phù hợp với điều kiện Việt Nam
- Nghiên cứu thực nghiệm trong phòng về bê tông nhựa ấm
- Nghiên cứu xây dựng dự thảo thiết kế thành phần và tiêu chuẩn kỹ thuật thi công và nghiệm thu bê tông nhựa ấm.
- Kết luận, kiến nghị
Đề tài đã được Hội đồng đánh giá đạt mức A và có nhiều khả năng ứng dụng vào thực tế hiện nay tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu sẽ xem xét, tiếp thu ý kiến của Hội đồng để chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện