Cảnh báo sớm trượt đất giúp giảm thiệt hại cho ngành Giao thông

Thứ tư - 12/10/2016 13:00. Xem: 147
Ngày 11/10, tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo phổ biến dự án “Phát triển công nghệ đánh giá rủi ro do trượt đất dọc theo các tuyến đường chính tại Việt Nam”.      

 

canh-bao-som-truot-dat-giup-giam-thiet-hai-cho-nga
PGS.TS Nguyễn Xuân Khang phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tấn Việt.

 

Hội thảo do Viện KH&CN GTVT (Bộ GTVT) phối hợp cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Khang - Viện trưởng Viện KH&CN GTVT, với 3/4 chiều dài quốc lộ nằm trong khu vực đồi núi nên những công trình của ngành GTVT sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ hiện tượng trượt đất (sạt lở đất) hàng năm, đặc biệt trong mùa mưa bão.

“Mục tiêu trực tiếp của dự án là phát triển công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất nhằm giảm thiểu những thảm họa do trượt đất gây ra trên các trục giao thông chính của Việt Nam. Về lâu dài xã hội hóa triển khai áp dụng công nghệ đánh giá rủi ro trượt đất và hệ thống cảnh báo sớm đã được phát triển thông qua dự án, góp phần đảm bảo an toàn cho các tuyến đường giao thông huyết mạch của Việt Nam” – ông Khang nói và cho biết, Viện KH&CN GTVT được Bộ GTVT giao làm chủ dự án, triển khai thực hiện từ năm 2011 – 2016.

 

canh-bao-som-truot-dat-giup-giam-thiet-hai-cho-nga
Các chuyên gia Nhật Bản trao đổi về dự án. Ảnh: Tấn Việt.

 

Theo ông Đinh Văn Tiến, một trong các nội dung quan trọng của dự án là việc lắp đặt thiết bị tại điểm trượt đất ga Hải Vân (đèo Hải Vân). Các thiết bị này nhằm quan trắc và cảnh báo sớm hiện tượng trượt đất nguy hiểm xảy ra tại ga Hải Vân để Tổng công ty ĐSVN và chính quyền địa phương có các biện pháp ứng phó cần thiết như sơ tán người, tài sản khỏi khu vực nguy hiểm, dừng tàu để đảm bảo ATGT đường sắt.

Trong 5 năm qua, nhờ chuyển giao công nghệ từ phía Nhật Bản, các chuyên gia Việt Nam đã xây dựng dự thảo chỉ dẫn kỹ thuật tích hợp về đánh giá rủi ro do trượt đất, bao gồm 5 phần với 33 chỉ dẫn: Lập bản đồ nhận dạng và dự báo rủi ro, thí nghiệm vật liệu, quan trắc, thử nghiệm máng trượt và các phần mềm ứng dụng.

Tại ga Hải Vân, các chuyên gia đã khảo sát địa hình, địa chất, tiến hành khoan 3 lỗ để lấy mẫu nguyên dạng. Một hệ thống giám sát tích hợp gồm thiết bị đo mưa, độ giãn dài, đo độ nghiêng, trạm toàn đạc… được đặt tại ga Hải Vân.

“Đến thời điểm này, có thể nói việc thử nghiệm rất thành công. 3 tiến sỹ và 5 thạc sỹ được Nhật Bản đào tạo trong gói dự án này phần nào tiệm cận được khả năng của chuyên gia Nhật Bản, đảm bảo có thể vận hành và phát triển được hệ thống này trong thời gian tới” – ông Tiến cho hay.

 

canh-bao-som-truot-dat-giup-giam-thiet-hai-cho-nga
Bản đồ các vị trí trượt đất được lập nên giúp cảnh báo sớm, giảm thiệt hại cho ngành Giao thông trong mùa mưa bão. Ảnh: Tấn Việt.

 

Hiện, những số liệu đầu tiên về tình trạng trượt đất trên đèo Hải Vân kèm bản đồ các điểm trượt đất tại đây đã được phác họa, giúp ngành Đường sắt có các dự báo về việc trượt đất ảnh hưởng đến ATGT trong tương lai.

Được biết, dự án được JICA tài trợ vốn không hoàn lại 5 triệu USD, vốn đối ứng của Bộ GTVT là 5 tỷ đồng.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây