Tham dự cuộc họp có PGS.TS. Nguyễn Xuân Khang, Viện trưởng, chủ tịch Hội đồng, các thành viên của Hội đồng theo Quyết định số 1937/ QĐ-VKHCN ngày 19/8/2016 của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT và nhóm thực hiện đề tài.
Công trình cảng biển có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế đối với một quốc gia nên trên thế giới các nước có đường bờ biển dài đã rất chú trọng đến xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với loại hình công trình này từ rất sớm, như Nga, Anh, Nhật Bản và Mỹ…. Hiện nay trên thế giới các Bộ Tiêu chuẩn thiết kế công trình cảng biển có uy tín nhất về chuyên môn và được khá nhiều nước vận dụng để áp dụng cho quốc gia mình có thể kể đến Bộ Tiêu chuẩn Anh BS “Công trình hàng hải”, Bộ Tiêu chuẩn thiết kế công trình biển của Công binh hải quân Mỹ và Bộ Tiêu chuẩn “Công trình Cảng và Bể cảng” của Nhật bản mà quen gọi là tiêu chuẩn OCDI (do OCDI xuất bản bản tiếng Anh).
Từ những năm 60 thế kỷ trước cho đến ngày nay, chúng ta biên soạn các tiêu chuẩn thiết kế cảng biển dựa theo tiêu chuẩn thiết kế cảng biển và hệ thống các tiêu chuẩn khác đi kèm của Liên Xô cũ và ngày nay là Cộng hòa Liên bang Nga. Bộ tiêu chuẩn biên soạn theo hệ thống tiêu chuẩn Liên Xô cũ này đã đóng góp rất lớn vào công tác xây dựng các công trình hạ tầng hàng hải của nước ta cho đến hiện nay. Tuy nhiên do được biên soạn đã khá lâu, nên bộ tiêu chuẩn này không được cập nhật và đổi mới theo sự tiến bộ của khoa học công nghệ xây dựng công trình nói chung và công trình Cảng biển nói riêng nên đã trở nên lạc hậu và đòi hỏi phải có bộ tiêu chuẩn mới.
Hiện nay có hai phiên bản tiêu chuẩn thiết kế công trình cảng và bể cảng của Nhật Bản đã được dịch ra tiếng Việt ở nước ta là phiên bản năm 2002 và phiên bản 2009 do tổ chức OCDI xuất bản bản tiếng Anh nên thường được gọi là OCDI 2002 và OCDI 2009. Phiên bản 2002 được biên soạn theo triết lý thiết kế theo các trạng thái giới hạn và phiên bản 2009 được biên soạn theo triết lý thiết kế theo lý thuyết độ tin cậy. Tuy nhiên đó là các bản dịch nguyên văn nên không sử dụng làm tiêu chuẩn Việt Nam được do chưa phù hợp với các quy định trong quy chuẩn Việt Nam về phân loại công trình và các điều kiện tự nhiên. Ngoài ra trong trích dẫn có rất nhiều tài liệu tham khảo, các tiêu chuẩn của Nhật về vật liệu, các tiêu chuẩn kỹ thuật một số công nghệ hay quy định kỹ thuật của Nhật Bản mà đối với Việt Nam hoặc chưa được kiểm chứng về sự phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể của Việt Nam hoặc đơn giản là chưa phổ biến hay lưu hành bản tiếng Anh hay tiếng Việt ở Việt Nam.
Đối với bản OCDI 2009 do triết lý thiết kế theo lý thuyết độ tin cậy chưa hoàn toàn phù hợp với hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật khác của Việt Nam nên chưa thể áp dụng ngay được, nhưng phiên bản này lại cập nhật được một số tham khảo kỹ thuật mới nhất của Nhật Bản và thế giới như số liệu tầu biển, các tiến bộ kỹ thuật mới sau năm 1998 (năm biên soạn OCDI 2002),..nên có thể đưa vào áp dụng một phần ở Việt Nam..
Giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Đất đai, Du lịch và Hạ tầng Nhật Bản năm 2014 đã có Bản Ghi nhớ hợp tác giữa hai bên về xây dựng cơ sở phần mềm quản lý hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam, trong đó có nội dung xây dựng hệ thống Tiêu chuẩn kỹ thuật về công trình cảng biển Việt Nam gồm ba phần: Thiết kế, Thi công và Nghiệm thu và Bảo trì, vì vậy việc biên soạn Tiêu chuẩn thiết kế công trình cảng biển dựa theo bộ tiêu chuẩn OCDI của Nhật Bản là rất phù hợp.
Để phù hợp với các quy định về biên soạn tiêu chuẩn của Việt Nam và trình độ kỹ thuật xây dựng công trình hiện tại trong nước, tiêu chuẩn thiết kế sẽ được dựa vào triết lý thiết kế theo các trạng thái giới hạn (OCDI 2002) và tận dụng các thành tựu kỹ thuật mới nhất của Nhật Bản trong lĩnh vực này (OCDI 2009).
Tại cuộc họp, chủ trì biên soạn đã trình bày tóm tắt các Căn cứ xây dựng tiêu chuẩn; Sự cần thiết xây dựng tiêu chuẩn; Nội dung tiêu chuẩn; Phạm vi áp dụng; Phương pháp tiến hành; Các công việc đã thực hiện.
Sản phẩm của đề tài gồm:
Bản Dự thảo Tiêu chuẩn "Công trình Cảng biển: Tiêu chuẩn Thiết kế - Phần 1: Nguyên tắc chung".
Thuyết minh xây dựng tiêu chuẩn
Với những kết quả nghiên cứu đã đạt được, trên cơ sở đề cương nhiệm vụ đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, Hội đồng đánh giá cấp cơ sở thống nhất ý kiến chấp thuận nội dung dự thảo Tiêu chuẩn. Theo yêu cầu của Hội đồng, chủ trì biên soạn tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung theo các ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng để hoàn thiện thủ tục trình Bộ theo quy định.
Một số hình ảnh cuộc họp
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện