Lãnh đạo Viện KH&CN GTVT Việt Nam và Viện Nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc chủ trì Hội thảo
Đường sắt là một bộ phận trong kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, có vai trò hết sức quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa và hành khách. Công nghệ đường sắt hiện nay đã rất phát triển trên thế giới, đặc biệt là đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị. Nhiều nước trên thế giới đã đạt được trình độ cao trong công nghệ đường sắt như: Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Ở Việt Nam, theo Quyết định số: 214/QĐ-TTg, ngày 10/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã nhấn mạnh đến vai trò, và định hướng phát triển đường sắt Việt Nam trong tương lai. Theo đó, đến năm 2020, đường sắt Việt Nam Nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh như các đoạn Hà Nội - Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang.
Toàn cảnh Hội thảo
Đưa vào khai thác toàn tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Nghiên cứu phương án xây dựng mới các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Sài Gòn - Cần Thơ, Hải Phòng - Lạch Huyện, các tuyến nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch, đường sắt nối các tỉnh Tây Nguyên với cảng biển, đường sắt Vũng Áng - Cha Lo (Mụ Giạ) để kết nối với đường sắt của Lào tại Thà Khẹt, đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh kết nối với đường sắt xuyên Á. Đồng thời phát triển giao thông công cộng đường sắt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2050 hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/giờ; hiện đại hóa mạng lưới tuyến đường sắt hiện có đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hành khách địa phương và hàng hóa; hoàn thành việc xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển lớn. Hoàn chỉnh mạng đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố lớn khác. Phát triển các cơ sở công nghiệp đầu máy, chế tạo toa xe, sản xuất ray, phụ kiện và phụ tùng thay thế theo hướng hiện đại. Lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Để đường sắt Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra, đáp ứng được nhu cầu vận tải của xã hội, việc hợp tác và học hỏi kinh nghiệm phát triển đường sắt của các các nước đi trước là hết sức cần thiết. Hàn Quốc là nước có hệ thống đường sắt phát triển, công nghệ đường sắt đạt trình độ cao đồng thời có những điều kiện tương đồng với Việt Nam. Trong đó, Viện Nghiên cứu Đường sắt Hàn Quốc (KRRI) là đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ đường sắt, cũng như vấn đề thi công, quản lý và quy hoạch đường sắt. Hiện nay, KRRI đang dần trở thành đối tác chiến lược của Viện KH&CN GTVT Việt Nam trong việc nỗ lực đưa đường sắt công nghệ cao vào Việt Nam. Hai bên đang hợp tác lập kết hoạch để thành lập phòng thí nghiệm đường sắt cho Việt Nam tại Viện KH&CN GTVT cũng như việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho việc xây dựng đường sắt ở Việt Nam.
Qua Hội thảo này, Viện KH&CN GTVT và Viện Nghiên cứu Đường sắt Hàn Quốc mong muốn đưa ra được cái nhìn khái quát về tình hình phát triển đường sắt ở Việt Nam, bài học kinh nghiệm phát triển đường sắt ở Hản quốc để từ đó nhận được các ý kiến tham luận cho việc phát triển công nghệ đường sắt ở Việt Nam.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện