Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, sau hơn 20 năm thực hiện Cuộc vận động đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình, sản phẩm xây dựng, với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng đã đề xuất đổi mới Cuộc vận động theo hướng thể chế hóa các hình thức giải thưởng vào các văn bản quy phạm pháp luật.
Các công trình tham gia giải thưởng năm nay bao gồm các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn,... đã được nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các công trình đạt giải đều có số điểm 70/100 trở lên đối với các tiêu chí, riêng tiêu chí về chất lượng công trình tối thiểu đạt 40 điểm.
Cầu Rồng được thiết kế đặc biệt, có thể phun lửa, nước |
Tại lễ trao giải thưởng năm nay, Cienco 1 vinh dự nhận được hai giải thưởng công trình chất lượng cao cho hai công trình cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Chủ tịch HĐQT Cienco 1 cho biết, thiết kế của cầu Rồng có nhiều điểm đặc biệt như: khối lượng bê tông bịt đáy, khối lượng bê tông khối đỉnh trụ rất lớn, kết cấu nhịp phức tạp lần đầu tiên thi công tại Việt Nam.
Vì vậy để đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án Cienco 1 đã đưa ra nhiều công nghệ thi công như: Công nghệ thi công bịt đáy hố móng tới 6.700 m3 bê tông đổ liên tục ở độ sâu 20m; công nghệ gia công dầm thép, vòm thép, công nghệ lắp ráp dầm thép bằng bu lông cường độ cao; công nghệ lắp dựng dầm, vòm thép bằng hệ long môn di động sức nâng 200 tấn có thể thay đổi chiều cao tới 32 mét. Đây là công nghệ lắp vòm lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và là một sáng tạo đặc biệt của các kỹ sư Cienco 1.
Cầu Trần Thị Lý cũng đặc biệt không kém khi được thiết kế như cánh buồm vươn ra biển lớn |
"Giải pháp dùng hệ long môn di động giúp Cienco 1 chủ động về vật tư thiết bị, thời gian thi công, tiết kiệm chi phí do không phải nhập khẩu công nghệ hoặc thuê thiết bị từ nước ngoài, đây là bước đi đầu tiên tiến tới việc làm chủ công nghệ thi công cầu vòm thép", ông Hòa nói.
Trong khi đó, cầu Trần Thị Lý là cầu dây văng 3 mặt phẳng với kết cấu phức tạp. Tại công trình này, Cienco 1 đã áp dụng thành công nhiều công nghệ như: Công nghệ đà giáo đẩy nặng 1.100 tấn cho nhịp dẫn, việc thi công dùng đà giáo đẩy giúp Cienco 1 rút ngắn thời gian thi công gần 1 tháng cho mỗi nhịp; công nghệ xe đúc chạy dưới đổ bê tông đồng thời toàn mặt cắt dầm rộng 34,5m kết cấu thành mỏng cho phần dầm chính một mặt phẳng dây,...
"Nhờ áp dụng các sáng kiến trong công nghệ thi công mà cầu Trần Thị Lý đã về đích đúng dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng Thành phố Đà Nẵng (29/3/2013), vượt tiến độ ban đầu gần 4 tháng", ông Hòa cho biết.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện