Bên cạnh công tác quản lý chất lượng, theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, sự phát triển của GTVT phải đi kèm với sự phát triển, cải tiến vật liệu để đáp ứng được nhu cầu phát triển mới. Trong các nguyên nhân dẫn đến hằn lún mặt đường thì nhựa đường là yếu tố đầu tiên cần phải được cải thiện, đặc biệt với điều kiện khí hậu nhiệt đới và tải trọng, lưu lượng xe lớn như ở nước ta.
Bằng việc ứng dụng các loại nhựa đường cải tiến chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường khả năng chống lún trồi của bê tông nhựa. Gần đây ở nước ta đã ứng dụng loại vật liệu mới làm chất kết dính là nhựa đường polime (PMB) - nhựa đường cải tiến bằng phụ gia block copolime SBS. Các kết quả thử nghiệm và ứng dụng đã chứng minh rằng, PMB mang lại hiệu quả kỹ thuật cao nhưng lại không mang đến hiệu quả kinh tế do chi phí quá lớn.
|
Đoạn đường sử dụng BTNN cải tiến bằng phụ gia gốc sao su (ATR) sau một năm khai thác trên Tỉnh lộ 25B |
Để cải tiến nhựa đường, các nhà nghiên cứu trên thế giới sử dụng rất nhiều loại phụ gia polime để giải quyết bài toán chống hằn lún vệt bánh xe như: SBS, SBR, epoxy, EVA, EPDM… Mỗi loại phụ gia đều có những ưu khuyết điểm riêng khi xem xét bài toán tổng thể về tính năng kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường, thực trạng đất nước. Đối với nước ta hiện nay, phụ gia cao su là giải pháp tối ưu nhất cho bài toán nêu ra và đã được Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng BMT (Công ty BMT) nghiên cứu nhiều năm, đồng thời kết hợp với các chủ đầu tư kiểm chứng thực tiễn khai thác trên nhiều đoạn đường có lưu lượng xe lớn và tải trọng nặng.
|
Lốp xe - một trong những nguồn nguyên liệu có thể chế biến phụ gia BTNN |
|
Nhựa đường cải tiến phụ gia gốc cao su (ATR) |
Nước ta là nước có diện tích trồng cao su lớn và mức độ tiêu thụ các mặt hàng sản phẩm chế biến từ cao su rất cao. Hiện cao su thiên nhiên của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 70 nước trên thế giới và vươn lên đứng thứ ba thế giới (từ vị trí thứ tư trong năm 2013) về xuất khẩu với sản lượng 949.000 tấn. Tuy nhiên, chúng ta đang hoàn toàn xuất khẩu nguyên liệu thô mà chưa có sản phẩm nào được chế biến từ chính cao su được trồng trong nước. Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm cao su được chúng ta tiêu thụ và trở thành phế thải sau khi hết thời gian sử dụng như giầy dép, bao bì, phụ tùng, thiết bị và đặc biệt là vỏ ruột xe. Trung bình mỗi năm nước ta thải ra môi trường khoảng hơn 400.000 tấn cao su lốp xe.
Nhằm nghiên cứu ra một sản phẩm bê tông nhựa chất lượng cao đáp ứng được các tiêu chí: Tính năng kỹ thuật ưu việt (kháng lún, kháng mỏi, kháng nước, chịu được nhiệt độ cao và có độ bền lâu dài); mang lại nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế nước nhà và góp phần bảo vệ môi trường, các nhà nghiên cứu Công ty BMT đã nghiên cứu và chế tạo thành công bê tông nhựa cải tiến bằng phụ gia gốc cao su với nguồn nguyên liệu chính từ cao su thiên nhiên trong nước, kết hợp với tái chế các loại cao su phế thải từ giầy dép, vật dụng, thiết bị và ruột vỏ xe.
|
So sánh độ lún vệt bánh xe của BTNC truyền thống và BTNC cải tiến cao su (ATR) |
Nhựa đường cải tiến bằng phụ gia gốc cao su của Công ty BMT (có tên ATR) có các chỉ tiêu kỹ thuật vượt trội như: Nhiệt độ hóa mềm trên 60oC, độ đàn hồi trên 60%. Sản phẩm nhựa đường cao su khi dùng làm chất kết dính cho bê tông nhựa tạo thành hỗn hợp bê tông nhựa cao su chất lượng cao: Độ lún vệt bánh xe dưới 3mm, làm việc tốt trong dải nhiệt độ từ 5 đến 60oC.
Sản phẩm bê tông nhựa cao su đã được Công ty BMT kết hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) thử nghiệm thành công trên công trình Tỉnh lộ 25B và Xa lộ Hà Nội; cùng với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO-IDI thử nghiệm thành công kết hợp với bê tông nhựa tái sinh nóng trên Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc. Các công trình sau thời gian khai thác hơn một năm vẫn chưa xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.
Bằng việc sử dụng sản phẩm cao su trong nước, bê tông nhựa cao su giúp giải quyết được đầu ra của ngành Cao su trong bối cảnh hiện nay, góp phần ổn định nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc tận dụng các phế thải từ cao su, sản phẩm mới này còn góp phần lớn bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để vấn nạn chôn lấp hoặc đốt các phế phẩm gốc cao su. Nhờ đó, giá thành sản phẩm không tăng nhiều và hoàn toàn không làm biến động chi phí đầu tư cho các công trình giao thông đường bộ.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn