Chiều 22/6, sau khi khảo sát vị trí xây dựng cầu Đại Ngãi (Sóc Trăng), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra dự án tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, dự án Tẻ Lộ - Rạch Sỏi, cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh.
Dự án dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có tổng mức đầu tư gần 6.694 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án dài hơn 51km, có điểm đầu tại Km02+104.11 – điểm kết thúc của dự án cầu Vàm Cống (thuộc địa bàn quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), điểm cuối tại Km53+279 thuộc địa bàn huyện Châu Thành (Kiên Giang).
Theo thiết kế, đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, có 2 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, phù hợp với đường cao tốc loại A. Đây là tuyến đường quan trọng có chức năng kết nối giữa TP HCM và các tỉnh khác của Tứ giác Long Xuyên.
Dự án cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Cầu được thiết kế dạng dây văng có chiều dài 2,97 km, trong đó nhịp chính dài 870 m, hai cầu dẫn phía Đồng Tháp và Cần Thơ mỗi bên dài khoảng 1 km. Tổng chiều dài toàn tuyến 5,75 km. Bề rộng mặt cầu bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Tổng mức đầu tư của dự án là 5.687 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Cầu Vàm Cống cách bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu sông Hậu và sẽ thay thế cụm phà này khi cầu đi vào hoạt động. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 9/2013 và dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Dự án cầu Cao Lãnh là cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối liền thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp. Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu sông Tiền và cách cầu Mỹ Thuận 35 km về phía thượng lưu sông. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 10 năm 2013 và dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Cầu Cao Lãnh cùng với cầu Vàm Cống là hai cây cầu trọng điểm nằm trong Dự án giao thông kết nối trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo thiết kế, cầu có chiều dài 2.015m, rộng 24,5m cho bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, với chiều cao trụ tháp bê tông cao 123m và nhịp chính dài 350m, vận tốc cho phép 80km/h.
Tổng vốn đầu tư của dự án cầu Cao Lãnh hơn 3.000 tỉ đồng bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) và vốn đối ứng của Việt Nam.
Báo cáo với Phó thủ tướng và đoàn công tác, ông Trần Văn Thi, Quyền Tổng giám đốc Công ty Cửu Long (đại diện chủ đầu tư), cho biết, dự án đang gặp phải một số vướng mắc, cụ thể: tình hình khan hiếm cát trong khu vực dự án; giá cát tăng cao đột biến; thiếu vốn đối ứng cho GPMB, VAT và các chi phí khác. Đồng thời, kiến nghị với Phó thủ tướng chỉ đạo các tỉnh khu vực dự án bố trí mỏ cát riêng cho dự án, bổ sung đối ứng (khoảng 282,58 tỷ đồng) cho GPMB và VAT.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với đại diện Chủ đầu tư và Ban QLDA, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự nổ lực của chủ đầu tư và Ban QLDA, các nhà thầu trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, đã cố gắng từ khâu thiết kế đến kỹ năng lựa chọn phương án xây dựng tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ công trình.
“Dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, dự án cầu Vàm Cống là những công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng nói riêng và cả nước nói chung”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, các địa phương và các đơn vị hữu quan tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các công việc, trên tinh thần bảo đảm an toàn, chất lượng và tiến độ. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án cần hết sức chú ý tới công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động; làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, quan tâm chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người dân bị giải tỏa đất để thực hiện các dự án.
Đồng thời, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVTT phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, các địa phương trong vùng rà soát quy hoạch, bảo đảm nguồn cát san lấp nền hợp lý cho các dự án giao thông trên nguyên tắc đảm bảo không làm ảnh hưởng tới các dòng sông, không làm sói mòn, sạt lở.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT và các đơn vị hữu quan cũng cần nghiên cứu, tìm các vật liệu thay thế nền và cát xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT báo cáo, đề xuất với Chính phủ nhằm đảm bảo cân đối vốn đầu tư, nguồn vốn đối ứng cho các công trình.
Theo lịch trình, sáng 23/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ có buổi làm việc với các bộ, ngành hữu quan, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các địa phương trong vùng về đầu tư xây dựng cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL.
Nguồn: baogiaothong.vn