|
UBND TP. Hà Nội vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tư PPP đối với 10 tuyến dự án đường sắt đô thị Hà Nội theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trừ hai dự án Trần Hưng Đạo - Thượng Đình thuộc tuyến số 2 và ga Hà Nội - Yên Sở (quận Hoàng Mai) thuộc tuyến số 3 đề xuất đầu tư từ nguồn vốn ODA).
Hiện đã có 5 nhà đầu tư trong nước đăng ký đầu tư các dự án xây dựng đường sắt đô thị, gồm Công ty CP Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty CP Lũng Lô 5, Công ty TNHH Tân Hoàng Minh, Liên danh Tổng công ty LICOGI và Công ty TNHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam; 2 nhà đầu tư nước ngoài gồm: Công ty Mosmetrostroy (Liên bang Nga) và Tập đoàn LOTTE Hàn Quốc.Trên cơ sở rà soát quy hoạch đã được phê duyệt, Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép trước mắt từ năm 2017 -2020 lựa chọn để đầu tư các đoạn tuyến sau: sân bay Nội Bài đi Nam Thăng Long (18km) và Thượng Đình - Vành đai 2,5- Bưởi (7km, tuyến số 2); đoạn Văn Cao - Hòa Lạc (38,4km, tuyến số 5); đoạn Nhổn - Trôi - Đan Phượng (5,9 km, tuyến số 3).
Nội dung đối tác công tư theo đề xuất của Hà Nội là các doanh nghiệp được chọn là nhà đầu tư sẽ tự bỏ vốn để chi cho việc lập hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi, thuê tư vấn lập hồ sơ dự án, thực hiện giải phóng mặt bằng, đào và xây dựng đường hầm, nhà ga, các tuyến đường trên cao, đề pô và đường ray. UBND TP. Hà Nội đầu tư các hạng mục còn lại gồm: đầu máy, toa xe, thiết bị vận hành, an toàn, an ninh (gồm cả hệ thống phần mềm điều khiển), thực hiện việc quản lý vận hành, khai thác theo chương trình thống nhất trên toàn bộ hệ thống của thành phố. Việc lựa chọn nhà đầu tư dựa trên các tiêu chí năng lực tài chính, quản trị dự án, kinh nghiệm và các cam kết của nhà tư, trong đó ưu tiên nhà đầu tư trong nước.