Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây |
Bộ Tài chính vừa thống nhất hàng loạt cơ chế đặc thù theo đề xuất của Bộ GTVT để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đáng lưu ý, là việc Bộ Tài chính thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Địa phương chỉ phối hợp triển khai
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Văn phòng Chính phủ về các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Cụ thể, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ về đề xuất giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam, không giao các địa phương thực hiện theo các dự án riêng lẻ (kể cả trường hợp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận). Bộ trưởng Bộ GTVT thực hiện toàn bộ trách nhiệm của người có thẩm quyền theo quy định của Luật Đấu thầu.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải ký khẳng định: “Tại Thông báo số 21 ngày 11/5/2017 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Bộ trưởng Bộ GTVT chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện dự án”.
Bên cạnh việc thống nhất các cơ chế đặc thù, Bộ Tài chính chưa đồng thuận với đề xuất của Bộ GTVT về một số cơ chế, chính sách. Cụ thể, là việc xác định mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong phương án tài chính để lập hồ sơ mời thầu là 14%/năm. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, mức lợi nhuận này có thể đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài, song tương đối cao so với mặt bằng lợi nhuận của các dự án giao thông đường bộ hiện nay (khoảng 11,5%). Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 11,5% như các dự án BOT QL1 và mức lợi nhuận cụ thể sẽ được xác định trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. |
Đồng thời, Quyết định 326 ngày 1/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định, Bộ GTVT chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. UBND các tỉnh, thành phố có liên quan phối hợp với Bộ GTVT tổ chức thực hiện xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc. Căn cứ quy định tại Nghị định 15/2015 ngày 14/2/2015 của Chính phủ, Bộ GTVT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam, UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua phối hợp với Bộ GTVT để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT về việc đàm phán với các nhà đầu tư trên QL1 đối với những đoạn tuyến cao tốc được đầu tư hoàn thành trước so với dự kiến trong hợp đồng BOT theo hướng kéo dài thời gian thu phí, trường hợp không đạt được thống nhất báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý. “Việc điều chỉnh thời gian thu phí dự án sẽ được xem xét cụ thể trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với các chỉ tiêu tính toán phương án tài chính theo hợp đồng đã ký kết”, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải khẳng định.