“Mềm hóa” điều kiện vay vốn xây cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Thứ tư - 20/07/2016 13:00. Xem: 99
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ chỉ xác định cơ quan có thẩm quyền đầu tư sau khi xác định được các điều kiện cụ thể của khoản vốn vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).  

Đây là kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Cũng trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc về điều kiện vay của khoản tín dụng ưu đãi bên mua 300 triệu USD theo hướng đề nghị phía bạn cung cấp khoản vay với điều kiện vay ưu đãi hơn so với điều kiện vay gần đây do phía Trung Quốc đề xuất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, khoản vay này sẽ không áp dụng điều kiện thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng EPC chỉ định cho nhà thầu Trung Quốc.

Theo Bộ GTVT, nếu bổ sung đoạn Vân Đồn - Móng Cái vào Dự án BOT đoạn Hạ Long - Vân Đồn thì khả năng hoàn vốn của công trình này là khó khả thi.
Theo Bộ GTVT, nếu bổ sung đoạn Vân Đồn - Móng Cái vào Dự án BOT đoạn Hạ Long - Vân Đồn thì khả năng hoàn vốn của công trình này là khó khả thi.

Được biết, 3 “nút thắt” lớn nhất đối với Dự án chính là việc Bộ GTVT muốn nhận thẩm quyền quyết định đầu tư từ UBND tỉnh Quảng Ninh và áp dụng cơ chế sử dụng vốn cấp phát toàn bộ khoản vốn tín dụng ưu đãi bên mua từ Trung Quốc cho Dự án.

Không đồng thuận với Bộ GTVT, bên cạnh việc cần làm rõ hiệu quả kinh tế của Dự án, Bộ Tài chính cho rằng, các khoản vay ưu đãi bên mua từ China Eximbank hiện đều là các khoản vay có ràng buộc; phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc thiết bị của Trung Quốc. Trong khi đó, công trình đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp, nên cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm giảm rủi ro trong quá trình xây dựng.

Trong trường hợp vẫn sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi bên mua, Bộ Tài chính đề nghị cần xác định rõ chủ đầu tư Dự án phù hợp với cơ chế sử dụng vốn: cho vay lại toàn bộ, không cấp phát hoặc cho vay để đầu tư.

Theo lý giải của Bộ GTVT, nếu tiếp tục bổ sung đoạn Vân Đồn - Móng Cái vào Dự án BOT đoạn Hạ Long - Vân Đồn thì khả năng hoàn vốn của công trình này là khó khả thi, nhưng nếu tách đoạn Vân Đồn - Móng Cái thành một dự án BOT độc lập thì sẽ rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia do kinh phí đầu tư lớn.

Cần phải nói thêm rằng, trước đó, Bộ GTVT dự kiến tổng mức đầu tư Dự án là 810 triệu USD. Tuy nhiên, để giảm thiểu áp lực vay nợ nước ngoài và khả năng đáp ứng vốn cho Dự án, Bộ này đã tiến hành phân kỳ đầu tư Dự án thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I có tổng mức đầu tư 382,2 triệu USD, vừa khít với khoản tín dụng ưu đãi bên mua của China Eximbank (300 triệu USD), phần còn lại sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Bên cạnh đó, ngoài Trung Quốc, hiện chưa có nhà tài trợ nào khác quan tâm đến dự án này.

Chia sẻ quan điểm với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các điều kiện vay của khoản tín dụng 300 triệu USD chưa đủ ưu đãi để sử dụng cho Dự án theo cơ chế cấp phát. Do vậy, chủ trương này cần được cân nhắc kỹ hơn. “Sau khi xác định được điều kiện cụ thể của khoản vay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư Dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.

Nguồn: http://baodautu.vn/

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây