Tính toán chi phí bảo dưỡng theo cấp và “tuổi” đường bộ

Thứ tư - 20/07/2016 13:00. Xem: 63
Định mức chi 25 triệu đồng/km/năm cho công tác bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) như hiện nay là thấp.

 

Thực hiện tốt công tác BDTX sẽ giảm được kinh phí

Thực hiện tốt công tác BDTX sẽ giảm được kinh phí sửa chữa lớn, đem lại hiệu quảcho tuyến đường. Ảnh: Xuân Huy

Sáng qua (19/7), tại cuộc họp Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư chỉ đạo nghiên cứu tính toán kinh phí cho công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ.

Không bảo dưỡng mặt đường sẽ tăng chi phí sửa chữa cấp bách

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, định mức chi 25 triệu đồng/km/năm cho công tác bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) như hiện nay là thấp. Trong số 27 tiêu chí BDTX, hiện không có tiêu chí về bảo dưỡng mặt đường. Do đó, khi mặt đường bị nứt hay có ổ gà thường không được bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời. Khi đường hỏng lại phải sửa chữa cấp bách.

“Theo Tiêu chuẩn quốc tế và Tiêu chuẩn 3049 TCVN, chi phí cho BDTX phải đảm bảo từ 50 - 70 triệu đồng/km/năm. Chúng ta nên quay lại theo Tiêu chuẩn 3049 TCVN mới xử lý kịp thời các vết nứt, ổ gà”, ông Huyện nói và cho biết, vì không được bảo dưỡng mặt đường kịp thời nên khi mặt đường hư hỏng chi phí sửa chữa cấp bách rất lớn. Chỉ trong năm qua, toàn bộ chi phí BDTX khoảng 800 tỷ đồng nhưng chi phí cho sửa chữa cấp bách đã gần 300 tỷ đồng.

Cùng đó, ông Huyện cũng nêu lên một số bất cập như: Công trình sửa chữa vài trăm triệu đồng, nhưng thủ tục vẫn phải như xây dựng cơ bản. Nhiều khi chi phí thiết kế chiếm 10-20% giá trị công trình.

Đề cập đến công tác chi BDTX, ông Khuất Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) cho rằng, đang có nhiều ý kiến của các đơn vị cho rằng mức chi BDTX như vậy là quá thấp. Ông Tuấn cũng đề xuất cho quay về mức cũ là 50 triệu đồng/km/năm. Tuy nhiên, hiện các gói thầu BDTX Tổng cục Đường bộ VN đã đấu thầu xong với thời gian là 3 năm. Ông Tuấn cho rằng nên duy trì đến hết thời gian thực hiện hợp đồng mới điều chỉnh để tránh xáo trộn.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, trong công tác BDTX đã xây dựng 27 tiêu chí, với mức 1.000 - 1.500 tỷ đồng/năm và được thực hiện theo cơ chế khoán. Qua kiểm tra, chi phí cho nhân công mất khoảng trên 60%, số còn lại vào đường rất ít. Trước thực trạng này, các công ty bảo trì đường bộ được chuyển về các Cienco và đấu thầu BDTX. Tuy nhiên, khi chi phí BDTX bị cắt 50%, mặt đường không được duy tu, sửa chữa nên không có hiệu quả. Vì vậy, cần phải bố trí lại nguồn kinh phí này.

Cơ bản đồng tình với đề xuất tăng chi phí quản lý BDTX, từ 25 triệu đồng/km/năm hiện nay lên 50 triệu đồng/km/năm, nhưng Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu phải có đánh giá khoa học. Cần tính toán, cân đối kỹ khi tăng, kinh phí sẽ được lấy từ đâu và sẽ giảm chi phí ở khâu nào, khi có chi phí BDTX tốt sẽ giảm được kinh phí sửa chữa lớn.

Bộ trưởng cũng yêu cầu trong đấu thầu bảo trì đường bộ cần tính toán cụ thể kinh phí đối với từng loại đường, chi phí bảo trì cho đường mới phải khác với đường đã làm lâu năm, mỗi loại đường phải đưa ra tiêu chí khác nhau. Vì vậy, việc đánh giá chất lượng, xếp loại tuổi của từng tuyến đường cần tính toán cụ thể.

Sử dụng minh bạch, hiệu quả tiền quỹ

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ, tính minh bạch có vai trò quan trọng. Do đó việc thu chi phải công khai, đúng đối tượng, phải duy tu thường xuyên, không đợi hỏng mới làm. Trong xây dựng kế hoạch bảo trì năm 2017, cần xây dựng một cách tổng thể, nắm rõ yêu cầu về đường, kết cấu đường, quy trình bảo dưỡng, quy trình sửa chữa đường. Bên cạnh đó, cần đánh giá và có số liệu đầy đủ.

Tính đến hết ngày 30/6, cả nước đã thu được hơn 2.981/6.100 tỷ đồng kế hoạch thu phí đường bộ năm 2016, đạt 48,88% và bằng 108,13% so với cùng kỳ năm 2015.

“Cần nắm chắc tình trạng của từng tuyến đường, đánh giá mức độ hư hỏng cụ thể của từng tuyến đường để xây dựng kế hoạch phù hợp. Chúng ta không thuần túy chỉ là thu và chi Quỹ mà phải có đánh giá cụ thể về kết quả, hiệu quả của việc sử dụng Qũy đối với công tác bảo trì đường bộ”, Bộ trưởng yêu cầu.

Theo Bộ trưởng, việc giải ngân Quỹ phải kịp thời bởi trước sau gì cũng phải chi số tiền đó cho việc sửa chữa đường. Vì vậy, cố gắng không để nợ nhà thầu, tài chính lành mạnh, nhà thầu sẽ làm tốt, hạn chế tình trạng “cắt xén” của nhà thầu, giải ngân kịp thời, đúng lúc hiệu quả đem lại sẽ lớn hơn cho tuyến đường. Nếu làm tốt công tác quản lý Quỹ, giá trị đồng tiền sẽ lớn, toàn dân sẽ được hưởng lợi.

“Của bền tại người, cũng giống như khi sử dụng một chiếc xe, nếu anh không thay dầu thường xuyên theo định kỳ, sẽ dẫn đến cái hại lớn hơn là chiếc xe sẽ nhanh rệu rã, hỏng hóc. Nếu thấy hợp lý có thể điều chỉnh ngay, không cần phải đợi đến hết 3 năm hợp đồng”, Bộ trưởng cho biết.

Trong giới vận tải ô tô chúng tôi rất coi trọng công tác BDTX, xe chạy bao nhiêu km phải thay dầu, thay bộ lọc, séc măng... nếu chạy hỏng mới sửa rất tốn kém. Với công tác BDTX đường bộ cũng phải làm tương tự như vậy”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây