Cuộc họp tổng kết mô hình tổ chức và hoạt động của VEC
VEC đã phát huy vai trò doanh nghiệp nòng cốt đầu tư các tuyến đường cao tốc
Ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc VEC cho biết, mô hình tổ chức và hoạt động của VEC đã đi vào hoạt động theo đúng mục tiêu của Chính phủ, đó là VEC- doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư phát triển đường bộ cao tốc ở Việt Nam. Hiện nay, Doanh nghiệp đã ổn định và hoạt động thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Các tuyến đường cao tốc khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội rất to lớn, được Chính phủ, Bộ GTVT và người dân đánh giá cao.
Tính đến nay, VEC đã đưa vào khai thác 350km đường cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình 50km, Nội Bài - Lào Cai 245km, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây 55km); hoàn thành Dự án xây dựng hệ thống ITS khu vực Hà Nội; khởi công và đi vào xây dựng Dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi (5/2013); Dự án Bến Lức - Long Thành (7/2014); hoàn thành Hỗ trợ kỹ thuật Dự án kế hoạch phát triển mạng đường cao tốc và dự kiến cuối năm 2017 và trong năm 2018 sẽ đưa toàn bộ 540km đường cao tốc vào khai thác. VEC đã chủ động làm việc với các nhà tài trợ để vay lại và huy động được 53.969 tỷ đồng, đạt mục tiêu về thu xếp nguồn vốn.
Ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc VEC báo cáo mô hình tổ chức và hoạt động của VEC
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, phát huy vai trò là một doanh nghiệp, VEC đã chủ động thực hiện vay thương mại từ các ngân hàng trong nước để thanh toán cho các nhà thầu thi công Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đồng thời đối với các dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai và TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, VEC đã báo cáo và làm việc với ADB để thực hiện công tác đền bù GPMB bằng nguồn vốn vay ODA trong điều kiện Nhà nước gặp khó khăn về vốn đối ứng cho công tác đền bù GPMB. VEC cũng đã chủ động thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt hồ sơ TKKT, dự toán, lựa chọn nhà thầu đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và tiến độ của các dự án.
Theo ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC, việc báo cáo tổng kết mô hình tổ chức và hoạt động của VEC trong thời điểm VEC đã lập Đề án cổ phần hóa và đang triển khai thực hiện cổ phần hóa; báo cáo tổng kết này tập trung đánh giá lại kết quả thực hiện là chính, chưa phải đánh giá mô hình này tốt hay mô hình khác, hoặc tiếp tục để tồn tại mô hình này.
Ông Trần Quốc Việt cho biết, từ khi thành lập VEC đến nay, VEC luôn xác định đúng mục tiêu đó là doanh nghiệp lớn của Nhà nước, một nhà đầu tư chủ lực chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn để đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc theo nguyên tắc hạch toán kinh doanh, tự hoàn vốn có sự hỗ trợ của Nhà nước. Là hạt nhân kết nối, nâng cao hiệu quả trình độ quản lý, vận hành các tuyến đường cao tốc được đầu tư bằng các hình thức khác nhau.
Tuy nhiên, VEC là mô hình đặc thù đầu tiên trong đầu tư xây dựng KCHTGT, có nhiều ưu điểm nhưng cũng còn một số tồn tại, hạn chế như tổng mức đầu tư các dự án đường cao tốc rất lớn, với vốn chủ sở hữu của VEC nhỏ (1.000 tỷ đồng), tỷ lệ nợ, vốn chủ sở hữu quá lớn nên việc đi vay thương mại hoặc phát hành trái phiếu là không đảm bảo quy định theo Luật Quản lý nợ công; năng lực tài chính còn hạn chế, khó thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư; việc thu phí hoàn vốn trải dài trong nhiều năm; khi thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn trong công tác GPMB…
Cần có cơ chế đặc thù về vốn đầu tư trực tiếp vào các dự án đường cao tốc
Để VEC tiếp tục phát triển và là đơn vị nòng cốt trong việc xây dựng đường bộ cao tốc, Lãnh đạo VEC kiến nghị cần có các quy định để thống nhất đánh giá vai trò của VEC và các doanh nghiệp được thành lập để đầu tư KCHTGT, đặc biệt là các công trình lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xác định đây là đầu mối, công cụ của Nhà nước để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia xây dựng KCHTGT, đặc biệt là thu hút vốn vay không ưu đãi của các tổ chức tín dụng quốc tế để đầu tư các dự án.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC Trần Quốc Việt kiến nghị
cần có cơ chế đặc thù về vốn đầu tư trực tiếp vào các dự án đường cao tốc
Cùng với đó, xây dựng trình Chính phủ cơ chế chính sách hiện nay để phù hợp với việc đầu tư phát triển đường cao tốc. Sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách đặc thù theo Quyết định số 1202/QĐ-TTg ngày 10/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Khi VEC được cổ phần hóa VEC cần có những cơ chế đặc thù cho VEC về vay vốn nước ngoài, phát hành trái phiếu và quản lý sử dụng nguồn vốn Nhà nuớc đầu tư trực tiếp vào các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc. Đồng thời, Bộ GTVT sớm ban hành các định mức cho công tác khai thác, vận hành, duy tu, bảo trì, sửa chữa đường bộ cao tốc…
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình hoạt động của VEC được Thủ tướng Chính phủ quyết định từ tháng 9/2004; sau một thời gian hoạt động, tháng 9/2007 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thí điểm một số cơ chế, chính sách áp dụng các cho dự án đầu tư, khai thác đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.
"Bộ GTVT, VEC xác định rõ mô hình hoạt động của VEC, có còn là doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư phát triển đường bộ cao tốc quốc gia nữa hay không, từ đó mới đề xuất cơ chế cụ thể. Đồng thời, đồng tình cần xác định VEC là doanh nghiệp đặc thù, chứ không phải như các doanh nghiệp đầu tư khác, có thể là một mô hình doanh nghiệp đặc biệt" - đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư lưu ý, một doanh nghiệp cổ phần hóa, nếu đề xuất một cơ chế rất khó, vì doanh nghiệp phải hoạt động theo quy định của Luật Doang nghiệp, hầu hết các dự án đang đầu tư hiện nay sắp tới sẽ không có đầu tư trực tiếp của Nhà nước, mà theo mô hình đối tác công - tư (PPP), mỗi dự án PPP xây dựng phương án tài chính thì đó là cơ chế đặc thù cho dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đồng ý VEC đề xuất cơ chế, chính sách, quyết định cá biệt,
những quy định cần phải có quyết định của Chính phủ đối với 5 dự án đường cao tốc
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông lưu ý mục tiêu đánh giá mô hình tổ chức và hoạt động VEC phải nêu lên được bức tranh tổng thể của đầu tư phát triển đường cao tốc trong 10 năm qua, trong đó làm rõ vai trò của VEC, đối chiếu với các nội dung khác (về luật pháp, quy hoạch, mô hình của nước ngoài…) từ đó xác định mô hình tổ chức và hoạt động VEC trong thời gian tới.
Thứ trưởng yêu cầu VEC hình thành mô hình hoạt động (doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước cấp vốn điều lệ), đánh giá lại việc huy động vốn (phát hành trái phiếu, huy động thương mại, nhận vay lại), mô hình đầu tư, mô hình quản lý khai thác để từ đó xác định quy hoạch.
Thứ trưởng đồng ý VEC đề xuất cơ chế, chính sách, quyết định cá biệt, những quy định cần phải có quyết định của Chính phủ (trước mắt là các Nghị định) đối với 5 dự án đường cao tốc (Nội Bài - lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây).
Thứ trưởng cũng cho ý kiến chỉ đạo về một số kiến nghị của VEC về quy định rõ nguyên tắc hỗ trợ đối với các dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, quy định về phát hành trái phiếu; chế pháp lý về quyền sở hữu các tuyến đường bộ cao tốc; cơ chế đặc thù cho VEC sau khi cổ phần hóa về vốn đầu tư trực tiếp vào các dự án đường cao tốc.
Thứ trưởng giao Vụ Quản lý doanh nghiệp, Vụ Kế hoạch đầu tư, Vụ Tổ chức cán bộ cùng với VEC tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc họp hoàn chỉnh báo cáo tổng kết mô hình tổ chức và hoạt động VEC trước ngày 5/11/2015.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện