Dự án nút giao cầu Thanh Trì với QL5 trước ngày thông xe |
Công trình được đưa vào khai thác sớm 6 tháng so với dự kiến sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực vận tải, xóa bỏ “điểm đen” ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Đông Thủ đô Hà Nội.
Thêm bốn nhánh cầu cạn giải tỏa ách tắc
Cầu vượt QL5 khớp nối với cầu Thanh Trì được đưa vào khai thác từ năm 2007. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do lưu lượng phương tiện tăng đột biến nên nút giao này thường xuyên xảy ra ùn tắc. Trong đó, hướng ùn tắc nặng nhất là từ Hà Nội đi hướng Hải Phòng, hiện tượng dồn ứ cũng liên tục xảy ra.
“Đến nay, dự án không để xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào về chất lượng và an toàn lao động. Các hạng mục của công trình đều đạt chất lượng và đáp ứng yêu cầu để tiến hành thông xe kỹ thuật”. Ông Hoàng Văn Đào |
Để giải quyết tình trạng này, sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tổ chức triển khai đầu tư xây dựng dự án điều chỉnh nút giao cũ giữa cầu Thanh Trì với QL5 thành nút giao liên thông khác mức dạng hoa thị hoàn chỉnh. Cụ thể, các nhánh rẽ ở phía Bắc của nút giao sẽ giữ nguyên, bốn nhánh cầu cạn ở phía Nam (mặt cắt ngang từ 7,1 - 9,1 m) được xây mới để tách nhập đường Vành đai 3 với QL5; Riêng đoạn đường Vành đai 3 nối với nhánh cầu được mở rộng quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Đồng thời, dự án tiến hành thi công cải dịch đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đoạn Km 11+205 - Km 13+208 về phía Nam khoảng 40 m và mở rộng mặt đường QL5 đoạn qua nút giao lên 60 m.
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 890 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản do Ban QLDA Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư. Ngày 19/10/2014, Gói thầu số 1 gồm các hạng mục chính của dự án: Xây dựng bốn nhánh cầu cạn, thi công mở rộng QL5, hệ thống tường chắn tại các vị trí lên - xuống cầu cạn trên QL5… đã được hai đơn vị trúng thầu là Tổng công ty XDCTGT4 (CIENCO 4) và Tổng công ty Thăng Long động thổ xây dựng với thời gian thi công theo hợp đồng là 18 tháng. Tuy nhiên, chỉ sau 12 tháng triển khai với tinh thần “vượt nắng thắng mưa” của hai đơn vị đầu đàn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông, đến nay, các hạng mục quan trọng nhất của dự án đã cơ bản hoàn thành với chất lượng công trình được đảm bảo.
Chất lượng công trình là ưu tiên số một
Trực tiếp phụ trách dự án từ những mũi cọc khoan nhồi đầu tiên được đưa xuống lòng đất đến khi nút giao hoàn thành và “khoác” lên mình diện mạo mới, ông Hoàng Văn Đào, Phó tổng giám đốc CIENCO 4 không giấu nổi niềm vui vỡ òa: “Quả thật, đến giờ, chúng tôi mới dám tin công trình về đích trước thời hạn 6 tháng theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT. Dự án có quy mô không lớn, yêu cầu kỹ thuật không quá phức tạp, nhưng trong điều kiện vừa thi công vừa phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các phương tiện tham gia giao thông với mật độ dày đặc qua nút giao này là một thách thức không nhỏ đối với nhà thầu”.
Xác định dự án có ý nghĩa rất quan trọng để giải tỏa ách tắc giao thông cho khu vực cửa ngõ Thủ đô nên ngay từ khi bắt đầu triển khai, lãnh đạo CIENCO 4 và Tổng công ty Thăng Long đã quyết liệt yêu cầu các mũi thi công phải bổ sung máy móc, thiết bị và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ công trình. “Lúc cao điểm, trên công trường có hơn 800 cán bộ, công nhân của hai đơn vị, không quản nắng, mưa thi công ba ca liên tục để hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất”, ông Đào chia sẻ.
Tiến độ thi công “thần tốc” nhưng chất lượng công trình vẫn là ưu tiên số một trong suốt quá trình chỉ đạo điều hành thực hiện dự án của nhà thầu. Tại hiện trường, CIENCO 4 và Tổng công ty Thăng Long luôn bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ và kinh nghiệm để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn vật liệu đầu vào, biện pháp tổ chức thi công cho từng hạng mục, nhất là công tác thảm bê tông nhựa.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện