Trong vòng vài năm ngắn ngủi, ngành GTVT đã huy động một con số mơ ước lên đến 170 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 8,5 tỷ USD để đầu tư hàng chục dự án, công trình giao thông.
Chỉ riêng ba tháng đầu năm 2015, thêm 16 nghìn tỷ đồng nữa, chiếm phân nửa chỉ tiêu của cả năm cũng được Bộ GTVT huy động thành công là minh chứng rõ ràng cho điều đó.
Do đó, cũng chẳng có gì lạ khi dù còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, nhưng 11 dự án đường cao tốc với tổng mức đầu tư lên đến trên 100 nghìn tỷ đồng đã thu hút được sự quan tâm lớn của doanh nghiệp. Thậm chí, tại nhiều dự án các nhà đầu tư xếp hàng chờ được xướng tên. Hiện tại, đã có khoảng 40 doanh nghiệp tham gia đăng ký làm nhà đầu tư hoặc nằm trong các liên danh sẵn sàng thực hiện các dự án cao tốc khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Lê Hiếu |
Lý do các doanh nghiệp mặn mà với điều này được nhiều chuyên gia và chính các doanh nghiệp này phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng. Bởi đây không chỉ là kênh đầu tư hiệu quả, mà nó còn tạo ra một khối lượng công việc lớn cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án. Thậm chí, nhà đầu tư còn công khai chuyển nhượng được dự án đã đầu tư cho doanh nghiệp khác với mức giá hời hơn giá đã bỏ ra.
Cũng không thể không nhắc đến việc Bộ GTVT đã thực sự “trải thảm xanh” mời gọi, đi kèm với đó là việc công khai, minh bạch thông tin từng dự án chuẩn bị triển khai xây dựng để doanh nghiệp tiếp cận.
Tuy nhiên, dù với bất kỳ lý do gì, đây cũng là kết quả thật sự ấn tượng và rất đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh vốn ngân sách rất hạn hẹp. Điều này cũng cho thấy chủ trương xuyên suốt của Bộ GTVT trong việc huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đang phát huy hiệu quả rất thiết thực.
Người đứng đầu ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhiều lần khẳng định, để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có việc đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc, không thể trông chờ vào ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ mà phải huy động những nguồn lực xã hội hóa bằng các hình thức, phương thức khác nhau. Đây là đòi hỏi bắt buộc xuất phát từ thực tiễn. Chúng ta triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc phải theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Những việc gì tư nhân, doanh nghiệp làm được, để họ làm, còn Nhà nước chỉ làm những phần việc mà tư nhân không làm được.
Điều đó cũng góp phần rút ngắn lộ trình để ngành GTVT hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 2.500 km đường cao tốc như đã cam kết với Chính phủ và người dân cả nước.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện