Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, Sở GTVT Thành phố Hà Nội; Công an Thành phố Hà Nội, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, các Vụ, Cục; Tổng cục, các Ban QLDA, các Hiệp hội…
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện báo cáo kết quả công tác
Theo báo cáo của Sở GTVT thành phố Hà Nội, hiện tại, Sở đang thực hiện quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gồm: 1.917,36/13.929,56 km đường bộ; 435 cầu các loại và 72,35/326,35 km đường thủy nội địa. Về vận tải, Sở GTVT thực hiện quản lý 91 tuyến buýt với 1.480 đầu xe, 563 tuyến vận tải hành khách cố định với hơn 4.000 xe, 10 bến xe khách liên tỉnh, 91 doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi với số lượng 17.629 xe và khoảng 20.000 lái xe taxi; 7.865 xe/3.506 doanh nghiệp, hộ cá thể, hợp tác xã được cấp phép và đang hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng; gần 200 bến thủy nội địa đang hoạt động. Trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT đang quản lý 49 cơ sở đào tạo, 16 trung tâm sát hạch…
Thời gian qua, Sở đã triển khai thực hiện tốt kết luận chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng và các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được tổ chức triển khai thông suốt, an toàn; các chỉ tiêu về tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí năm 2014 và 3 tháng đầu năm 2015 đều giảm nhiều so với cùng kỳ. Sở đã xử lý được 15/49 điểm thường xuyên ùn tắc.
Công tác tham mưu xây dựng hệ thống văn bản QPPL được triển khai kịp thời, đảm bảo chất lượng, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về chuyên ngành GTVT. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành được quan tâm đúng mức và chỉ đạo cụ thể, nâng cao hiệu quả công tác đầu tư xây dựng, đảm bảo kết nối phù hợp toàn mạng hạ tầng GTVT. Công tác quản lý khai thác hạ tầng GTVT được chỉ đạo thực hiện thường xuyên, kịp thời đảm bảo đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Công tác quản lý hoạt động vận tải, quản lý phương tiện và người lái được tập trung chỉ đạo và có nhiều đổi mới. Công tác đảm bảo trật tự ATGT được đảm bảo kịp thời với nhiều giải pháp đồng bộ tạo sự chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được chỉ đạo thường xuyên, liên tục, đa dạng về hình thức…
Năm 2014 và Quý I/2015, Bộ GTVT đã hoàn thành các công trình lớn đưa vào sử dụng như: Đường Nhật Tân - Nội Bài; cầu Nhật Tân; Nhà ga T2; đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; cầu Vĩnh Thịnh; cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã góp phần cải thiện đáng kể tình trạng giao thông trên các tuyến đường huyết mạch của Thủ đô. Bộ đang đồng loạt triển khai các dự án lớn trên địa bàn Thành phố như: Hầm cơ giới Vành đai 3 - Khuất Duy Tiến; hầm cơ giới nút giao Trung Hòa; cầu vượt Vành đai 2,5 (Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám); cầu vượt nút giao Cầu Bây dự kiến hoàn thành trong năm 2015 và tuyến đường sắt số 2 đoạn Cát Linh - Hà Đông dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Đồng thời, Bộ cũng chuẩn bị khởi công nhiều dự án trong năm 2016 như đường trên cao (cầu cạn) Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; cầu Ba Vì - Việt Trì.
Dự án cầu Nhật Tân được chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 1/2015 (Ảnh: baogiaothong.vn)
Công tác đảm bảo trật tự ATGT được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp quyết liệt đồng thời tăng cường công tác siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện với mục tiêu: tính mạng con người là trên hết. Báo cáo cũng nêu chi tiết kết quả mà Sở GTVT thành phố Hà Nội đã đạt được trong năm 2014 và 3 tháng đầu năm 2015 trên các lĩnh vực: Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; hoạt động vận tải khách tuyến cố định; hoạt động vận tải bằng taxi; hoạt động vận tải bằng xe hợp đồng; công tác quản lý bến xe; kiểm soát tải trọng phương tiện; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và công tác quản lý giao thông đường thủy nội địa…
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn Thành phố, Sở GTVT Hà Nội đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng Đinh La Thăng 15 vấn đề gồm: Phân cấp quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; Nghiên cứu, xem xét đầu tư cho Hà Nội Trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng chung của Thành phố; Đề nghị Bộ hoàn thiện và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đường sắt đô thị để đảm bảo tính đồng bộ từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành công trình; Xem xét, hỗ trợ, cân đối và bố trí vốn để Sở GTVT triển khai đầu tư 05 cầu vượt đi bộ và cầu Phú Tiên vượt sông Nông Giang; Hỗ trợ xem xét kinh phí chương trình đầu tư thay thế 34 cầu yếu vượt sông mang tính cấp bách; Sửa đổi một số quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chưa phù hợp; …
Cũng tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Công an Thành phố cũng có kiến nghị, đề xuất 1 số nội dung như: Tăng cường công tác quản lý vận tải hành khách tại các bến xe; siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe đồng thời cần nâng cao chế tài xử phạt hành chính, có tính răn đe cao; Tiếp tục đẩy nhanh quá trình hoàn thiện các tuyến đường vành đai, mở thêm các đường ngang tại một số trục giao thông chính, đầu tư xây dựng thêm các cầu đi bộ, bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ tắc xi,..; Đối với đường sắt, cần tăng cường công tác gác chắn tại các đường ngang, có hệ thống đèn tín hiệu đảm bảo ATGT đường sắt; Công an Thành phố cũng đề nghị Bộ GTVT ban hành Thông tư hướng dẫn xử lý đối với xe 3 bánh tự chế, nêu cụ thể về đối tượng sử dụng xe ba bánh, công ty đơn vị sản xuất theo đúng tiêu chuẩn… đồng thời có hướng dẫn thống nhất trong việc quản lý ô tô điện…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định thời gian qua, Thành phố Hà Nội và Bộ GTVT đã có sự kết hợp trên các lĩnh vực, kinh tế - xã hội của Thành phố đã được cải thiện, môi trường sống ngày càng phát triển trong đó có vai trò quan trọng của ngành GTVT. Trong công tác phối kết hợp giữa Thành phố với Bộ GTVT đạt hiệu quả cao, Bộ GTVT luôn dành sự quan tâm đối với Thành phố HN, có những chỉ đạo cụ thể đồng thời đầu tư, hỗ trợ phát triển GTVT thành phố.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Thành phố đề nghị Bộ chỉ đạo các địa phương trong công tác quy hoạch phát triển GTVT có sự kết nối với GTVT Thủ đô. Phó Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định: Hà Nội sẵn sàng đón nhận các đầu mối giao thông của các địa phương kết nối với Thủ đô, tạo điều kiện phát triển cho các địa phương cũng như cho Thủ đô Hà Nội. Hiện tại, các chính sách quản lý GTVT đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phương thức quản lý còn sự chồng chéo giữa Bộ GTVT và Bộ Xây dựng gây tình trạng bất cập, kìm hãm sự phát triển GTVT nói chung. Các đơn vị của 2 Bộ cần có sự phối hợp chặt chẽ nhằm góp phần vào quá trình đẩy mạnh phát triển GTVT đặc biệt đối với các đô thị đặc biệt.
Thành phố cũng đề nghị Bộ GTVT lưu ý đến các đô thị đặc biệt khi ban hành các chính sách, tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo công tác đảm bảo ATGT, đề nghị phạt nặng, kiên quyết những hành vi nguy hiểm đến tính mạng con người, ùn tắc giao thông nghiêm trọng…. Bên cạnh đó, Thành phố cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan đến an toàn đường sắt, hoạt động kinh doanh dưới gầm cầu đường sắt, đặc biệt là cầu Long Biên…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả của Thành phố Hà Nội với Bộ về công tác quản lý nhà nước, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, đảm bảo ATGT. Tất cả những chủ trương, chính sách, giải pháp của Bộ đề xuất đều được sự ủng hộ mạnh mẽ của Thành phố, các Sở, Ban, Ngành đồng thời phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai thực hiện. Công tác quản lý nhà nước, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, đảm bảo trật tự ATGT của Thành phố Hà Nội thời gian qua có sự chuyển biến tích cực, thể hiện sự nỗ lực chung của các đơn vị, sự phối hợp rất tốt của các cơ quan ban ngành.
Bộ trưởng Đinh La Thăng kết luận buổi làm việc
Bộ trưởng nhấn mạnh, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là thực tế sinh động nhất nhằm xây dựng thể chế chính sách, cơ chế chính sách về GTVT. Bộ trưởng đề nghị Thành phố phối hợp với Bộ rà soát lại chiến lược quy hoạch phát triển GTVT trên địa bàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cập nhật quy hoạch chi tiết, làm căn cứ để tổ chức thực hiện. Đề nghị Thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ để xây dựng cơ chế chính sách quản lý nhà nước về GTVT cũng như tiếp tục quan tâm đến công tác GPMB những dự án GTVT của Bộ đang triển khai trên địa bàn Thành phố, đảm bảo tiến độ và chất lượng đặc biệt là Dự án Đường sắt đô thị, cầu Việt Trì - Ba Vì; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, …
Bộ trưởng cũng đề nghị Thành phố làm việc với Bộ GTVT xây dựng Kế hoạch 5 năm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT giai đoạn 2016-2020, thống nhất những dự án sẽ triển khai, thời gian để có kế hoạch bố trí vốn trên cơ sở những quy hoạch, chiến lược đã được cập nhật. Đồng thời phối hợp với Bộ đưa ra các giải pháp đảm bảo ATGT, tiếp tục đầu tư hệ thống cầu đường, triển khai bến xe ngầm, bãi đỗ xe tĩnh… quan tâm đẩy nhanh hơn nữa các dự án, kêu gọi xã hội hóa với cơ chế cụ thể. Bộ trưởng cũng đề nghị triển khai xã hội hóa 100% các bến xe, các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn thành phố, tạo môi trường cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bộ trưởng cũng có những chỉ đạo cụ thể đối với những đề xuất, kiến nghị của Thành phố Hà Nội và một số vấn đề khác như thống nhất rà soát lại hệ thống đường ngang, kết nối tín hiệu đường bộ đường sắt, các giải pháp giảm tai nạn giao thông đường sắt…
Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường hàng tháng có tổ chức giao ban kiểm điểm các nội dung công tác phối hợp giữa Bộ GTVT với Thành phố Hà Nội, tiếp thu những kiến nghị tại buổi làm việc đưa vào chương trình giao ban, đôn đốc triển khai thực hiện./.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện