|
Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương động thổ xây dựng hai cầu trên QL38. |
Hai cầu đầu tiên nói trên gồm cầu Tràng Thưa và Cống Neo trên QL38B thuộc huyện Thanh Miện (Hải Dương). Việc xây dựng hai cây cầu này sẽ giải quyết dứt điểm hai nút thắt đang hạn chế toàn bộ năng lực khai thác trên đoạn tuyến QL38.
Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư 301 triệu USD, tương đương 6.305 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng thế giới là 251 triệu USD và vốn đối ứng là 50 triệu USD.
Mục tiêu đầu tư của Dự án là thiết lập cơ sở, phương pháp luận để thực hiện công tác bảo trì, nâng cấp và quản lý tài sản mạng lưới đường bộ khoa học, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế xã hội khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Việc nâng cấp, bảo trì một số tuyến đường có tính chất liên kết mạng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, áp dụng kết hợp các loại hình hợp đồng xây dựng mới trong quản lý bảo trì mạng lưới đường bộ và hỗ trợ các công cụ, phương pháp thu thập dữ liệu, lưu trữ và phân tích về tình trạng mạng lưới đường bộ để đánh giá, xác định nhu cầu, lập kế hoạch quản lý bảo trì đường bộ Việt Nam.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phát lệnh khởi công. |
Gói thầu xây dựng mới 2 cầu Tràng Thưa và cầu Cống Neo trên QL38B tỉnh Hải Dương là 1 trong số 5 gói thầu xây lắp thuộc Hợp phần nâng cấp (bao gồm nâng cấp các QL38, QL39) và nằm trong tổng số 15 gói thầu xây lắp của toàn bộ Dự án, trong đó có 10 gói thầu bảo trì đường bộ tập trung cho QL2, QL6 và QL48. Đây cũng là gói thầu xây lắp khởi công đầu tiên của Dự án.
Cầu Cống Neo mới được xây dựng cách cầu cũ khoảng 640m về phía hạ lưu sông Cửu An, trên địa bàn thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện, trong đó phần đường dẫn có chiều dài khoảng 2,7km và phần cầu có chiều dài cầu là 175m.
Cầu Tràng Thưa mới được xây dựng cách cầu cũ 20m về phía thượng lưu sông Đoàn Đào trên địa bàn Huyện Gia Lộc, trong đó phần đường dẫn có chiều dài khoảng 2,3 km và phần cầu có chiều dài cầu là 141m.
Cầu Tràng Thưa và cầu Cống Neo được thiết kế xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, phù hợp với quy mô toàn tuyến QL 38B là đường cấp III đồng bằng. Vận tốc thiết kế 80km/h.
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện phát biểu tại lễ khởi công. |
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, đại diện Chủ đầu tư: Toàn bộ Gói thầu có giá trị phần xây lắp là khoảng 292 tỷ đồng (sử dụng 100% vốn vay WB), giá trị GPMB là khoảng 79 tỷ đồng (sử dụng 100% vốn đối ứng). Thời gian thi công 18 tháng, thời gian bảo hành công trình là 24 tháng.
“Với trách nhiệm được Bộ GTVT giao là Chủ đầu tư, Tổng cục Đường bộ VN cam kết, chỉ đạo Ban QLDA3, Tư vấn và Nhà thầu triển khai dự án theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn của công trình theo quy định của Nhà nước và của Nhà tài trợ, đáp ứng được mục tiêu đề ra của Dự án” – ông Huyện cho biết.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: “Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, mật độ người và phương tiện lớn. Hiện tại, 2 cầu này chưa được xây dựng là nút thắt ùn tắc giao thông 2 đầu cầu.
Dự án được thi công, hoàn thành sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết dứt điểm hai nút thắt đang hạn chế toàn bộ năng lực khai thác trên đoạn tuyến QL38 nối giữa Hải Dương và Hưng Yên. Qua đó kết nối đồng bộ với các tuyến quốc lộ huyết mạch phía Bắc như QL5, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, QL39 đi Thái Bình phục vụ tốt cho sản xuất công nghiệp, du lịch dịch vụ của các tỉnh trong khu vực đồng bằng Bắc bộ cũng như góp phần nâng cao an toàn toàn công trình đường bộ, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
“Tỉnh Hải Dương sẽ cam kết tạo mọi điều kiện và phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ đầu tư dự án thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bàn giao mặt bằng để công trình được thi công theo đúng tiến độ”- ông Hiển cho biết.
Phát động lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án được triển khai trước mắt có nhiều vấn đề lớn, nhất là GPMB. Vì vậy Bộ GTVT mong nhận được sự quân tâm của chính quyền địa phương để có mặt bằng ngay sau Tết Âm lịch. Bên cạnh đó, cần rà soát lại định mức để tiết kiệm chi phí. Đối với nhà thầu cần tập trung máy móc để thi công, đảm bảo tiến độ.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn