Tham dự cuộc họp có đại diện các Vụ: Tài chính, Khoa học - Công nghệ; Ban PPP, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD); Ban QLDA Thăng Long, Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT; Nhà đầu tư dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT
Tại cuộc họp, đại diện Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã trình bày báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện Dự án trong thời gian qua. Theo đó, về tình hình thực hiện các thủ tục pháp lý, đầu tư: Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư; Hợp đồng BOT chính thức đã được ký kết giữa Bộ GTVT và Liên danh Nhà đầu tư dự án.
Về công tác lựa chọn nhà thầu, hiện nay Bộ GTVT đã chấp thuận Kế hoạch lựa chọn nhà thầu Đợt 1 - Giai đoạn 1 và Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đang khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo của Dự án theo quy định, Kế hoạch lựa chọn nhà thầu Đợt 2 - Giai đoạn 1 đã được trình lên Ban QLDA Thăng Long và Bộ GTVT và đang chờ phê duyệt; Đối với gói thầu xây lắp số 01 và 05, Bộ GTVT đã chấp thuận Hồ sơ năng lực của Cienco1 và Phương Thành theo hình thức tự thực hiện.
Về giấy phép thi công và mặt bằng thi công, hiện đã được các cơ quan, đơn vị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cấp phép và bàn giao mặt bằng cho Dự án.
"Hiện công tác khảo sát đã hoàn thành, thiết kế bản vẽ thi công đang tiến hành triển khai các bước theo kế hoạch và chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT", đại diện Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ khẳng định.
Lãnh đạo Công ty này cũng cho biết thêm, hiện Công ty đã ký hợp đồng với Ban QLDA Thăng Long về tư vấn quản lý dự án; ký hợp đồng nguyên tắc với Liên danh Viện Khoa học và Công nghệ GTVT - Công ty Cổ phần TVTK xây dựng công trình giao thông Miền Bắc về tư vấn giám sát (TVGS) thi công. Hiện nay, Liên danh TVGS cơ bản đã bố trí xong văn phòng và bộ máy điều hành để triển khai thực hiện giám sát tại hiện trường dự án.
Tại buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị, nhà đầu tư liên quan để đẩy nhanh tiến độ Dự án; Hồ sơ Kỹ thuật Cục QLXD phải thẩm định nhanh chóng để Bộ phê duyệt; khi triển khai các gói thầu phải thi công đồng loạt; tập trung giải quyết các vị trí bị lún, nền đất yếu trên phạm vi dự án; đơn vị TVGS phải giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công...
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT được thực hiện theo Quyết định số 3086/QĐ-BGTVT ngày 04/10/2013 của Bộ Giao thông vận tải. Dự án có tổng chiều dài khoảng 29km với điểm đầu tại Km182+300 (vị trí nút giao Pháp Vân giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 của Hà Nội) và điểm cuối Dự án tại Km211+256 (Km211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình); điểm cuối nhánh vuốt nối tại Km212+475 (đầu cầu vượt đường sắt trên nhánh nối vào QL1 cũ). Dự án có quy mô cấp đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN5729 – 2012 (có châm chước tĩnh không đứng dưới cầu vượt đường cao tốc và chiều dài dốc dọc theo TCVN 5729-1997), vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án có tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng và được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 mức đầu tư là 1,974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp yếu tố bình đồ và mặt cắt dọc, kết cấu mặt đường chính tuyến đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25,0m; Giai đoạn 2 mức đầu tư là 4,757 tỷ đồng, bao gồm xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp VI đồng bằng theo Tiêu chuẩn TCVN 4054-2005 (bề rộng nền đường 6,50m). |
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện