Cục trưởng Trần Xuân Sanh thông qua dự thảo Báo cáo Quốc hội về tình hình
triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại cuộc họp
Tại cuộc họp, ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã thông qua dự thảo Báo cáo Quốc hội Khóa XIII về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Theo đó, Dự án được đầu tư theo hình thức BOT, sử dụng vốn Nhà nước thấp hơn 30% tổng mức đầu tư. Công trình được thiết kế đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, chiều dài 105,5km, bề rộng 6 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp. Dự án đi qua 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội 6,0 km, Hưng Yên 26,5 km, Hải Dương 40,0 km, Hải Phòng 33,0 km.
Về khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân tổng mức đầu tư Dự án tăng, ông Trần Xuân Sanh cho biết tuy các địa phương rất nỗ lực triển khai giải phóng mặt bằng, nhưng tiến độ chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ; Dự án phải điều chỉnh lại thiết kế và đi qua vùng có nhiều nền đất yếu. Việc tăng tổng mức đầu tư do các nguyên nhân tăng chi phí về: xây dựng, thiết bị; bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư; bên cạnh đó tăng chi phí dự án; chi phí tư vấn đầu tư; chi phí lãi vay; chi phí khác và giảm chi phí dự phòng.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài 105,5km, bề rộng 6 làn xe
cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 120km/h. (Ảnh vtc.vn)
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Trương Tấn Viên và các thành viên dự họp,Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là Dự án quan trọng quốc gia, được rất nhiều các cơ quan quan tâm, hiện Quốc hội đặt vấn đề, yêu cầu có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Dự án. Đây là lần đầu tiên làm báo cáo Quốc hội, đo đó Bộ trưởng yêu cầu phải báo cáo đầy đủ tình hình thực hiện Dự án, để các đại biểu Quốc hội nắm rõ.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phối hợp với Vụ Kế hoạch đầu tư và các cơ quan liên quan nội dung Báo cáo phải bố cục rõ ràng, trong đó nói rõ về chủ trương, căn cứ đầu tư, quy hoạch; sự cần thiết đầu tư; khái quát Dự án, công tác đầu tư; bên cạnh đó nêu rõ các gói thầu của Dự án, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu thi công; công tác giải phóng mặt bằng, các hộ dân bị ảnh hưởng, tái định cư; công tác quản lý, chất lượng công trình; đồng thời nói rõ tổng mức đầu tư, nguyên nhân tổng mức đầu tư tăng và các đề xuất, kiến nghị với Quốc hội.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện