Đường Hồ Chí Minh sẽ dài thêm 16km

Thứ tư - 30/10/2013 13:00. Xem: 117
Sáng 30/10, Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng báo cáo Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Đường sẽ có từ 2-6 làn xe

Báo cáo QH, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ: Theo Nghị quyết 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đến năm 2010 phải nối thông từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe và đến năm 2020 nâng cấp đạt tiêu chuẩn cao tốc. Những đoạn không thể đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì mở rộng mặt cắt ngang đường phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ. Tuy nhiên, một số nội dung của Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến nay cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
 
* Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) khoảng 1.350km đã mang lại hiệu quả nhiều mặt đối với các địa phương nơi dự án đi qua.
 
* Đường Hồ Chí Minh là trục dọc giao thông xuyên Việt thứ hai. Từ khi đưa vào khai thác đến nay đã thực hiện tốt chức năng hỗ trợ QL1, giảm ùn tắc, TNGT và đảm bảo giao thông thông suốt khi QL1 bị ách tắc trong mưa lũ. 

Cụ thể, Chính phủ đề nghị QH điều chỉnh tăng chiều dài toàn tuyến thêm 16km, trong đó tuyến chính giảm 168km, còn 2.499km, nhánh Tây tăng 184km thành 684km. Sở dĩ phải điều chỉnh là do tuyến chính đi tránh các thành phố, thị xã, thị trấn để giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, điều chỉnh hướng tuyến ở những vị trí có địa hình khó khăn...; nhánh phía Tây điều chỉnh điểm đầu từ Khe Gát (Quảng Bình) về Khe Cò (Hà Tĩnh).

Tuyến đường sẽ đi qua 28 tỉnh, thành với quy mô mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn (từ 2 đến 6 làn xe). Phân kỳ đầu tư, đến năm 2015, sẽ cơ bản nối thông hai làn xe từ Pác Bó đến Đất Mũi những đoạn có nhu cầu cấp thiết, các đoạn tuyến còn lại và một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020. Nguồn vốn được Chính phủ đề xuất chủ yếu là Trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác.
 
 

Cần cơ chế đặc thù huy động các nguồn lực

 


Trước đó, theo Nghị quyết 38, từ năm 2010 đến năm 2020, Dự toán TMĐT của giai đoạn này do Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện. Tổng mức đầu tư giai đoạn 3 khoảng 273.167 tỷ đồng, không kể 23.000 tỷ đồng là TMĐT của 133km đường Hồ Chí Minh đi trùng với các dự án khác đã được bố trí nguồn vốn và đang được triển khai (TMĐT được xác định theo thời giá năm 2010). Tuy nhiên, do khả năng nguồn vốn hạn chế nên hiện tại mới đang triển khai đầu tư đoạn Cam Lộ - Túy Loan dài 182km và dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kong dài 133km, các đoạn cao tốc còn lại tùy theo tình hình thực tế triển khai dự án, khả năng cân đối vốn và kêu gọi đầu tư sẽ được xem xét đầu tư xây dựng cho phù hợp, vì vậy TMĐT giai đoạn cao tốc sẽ được cập nhật, điều chỉnh phù hợp với quy định tại thời điểm lập dự án đầu tư.
 
 
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng đọc báo cáo trước QH sáng 30/10  Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng đọc báo cáo trước QH sáng 30/10


Báo cáo Quốc hội tại phiên họp này, Chính phủ đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xem xét, quyết định TMĐT và tiến độ triển khai giai đoạn 3 tùy thuộc vào điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển và khả năng cân đối vốn...
 


Điều chỉnh hợp lý, đồng bộ với quy hoạch phát triển GT

 


Đây là khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN &MT) Phan Xuân Dũng về kết quả thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh Nghị quyết số 38.

Ông Dũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh chiều dài của tuyến về cơ bản không làm thay đổi tính chất của Dự án và sai số 0,5% là chấp nhận được. Về hướng tuyến, không có sự thay đổi lớn, một số đoạn đã được điều chỉnh nhằm bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng đường bộ cao tốc và dự án kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Ủy ban nhất trí với Chính phủ về việc điều chỉnh thiết kế về quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật đường. Theo quy hoạch chi tiết, khoảng 2/3 tuyến đường đã được thiết kế theo tiêu chuẩn đối với đường cao tốc, đáp ứng với yêu cầu của Nghị quyết 38” - ông Dũng khẳng định. 

Để phù hợp với khả năng bố trí vốn TPCP, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí ưu tiên hoàn thiện đoạn qua Tây Nguyên (QL14) với số vốn khoảng 10.000 tỷ đồng. Khoảng 14.000 tỷ đồng sẽ được bố trí tiếp sau năm 2016. Ủy ban cũng cơ bản nhất trí về việc Quốc hội giao Chính phủ xem xét quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động vốn và giải phóng mặt bằng.
 
Nguồn: giaothongvantai.com.vn


Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây