Đây là một trong những nội dung tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 14/10 về xem xét đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Cần thiết phải điều chỉnh
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, việc triển khai dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh được cơ bản bám sát yêu cầu của Nghị quyết về việc lựa chọn hướng tuyến, hạn chế tối đa tác động tiêu cực góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững về KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở những vùng có tuyến đường đi qua; đồng thời tạo được khả năng liên kết giữa các khu đô thị, vùng dân cư, các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm. “Từ khi đưa vào khai thác đến nay, tuyến đường đã thực hiện tốt chức năng hỗ trợ QL1, giảm ùn tắc, TNGT và đảm bảo giao thông thông suốt khi QL1 bị ách tắc trong mưa lũ”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Theo phân kỳ đầu tư, dự kiến, đến năm 2015 cơ bản hoàn thành nối thông hai làn xe từ Pác Bó đến Đất Mũi những đoạn có nhu cầu cấp thiết, các đoạn tuyến còn lại và một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020. Việc phân kỳ đầu tư và tổng mức đầu tư giai đoạn cao tốc (giai đoạn 3) tùy thuộc vào tình hình triển khai thực tế và khả năng cân đối vốn. |
Đề cập đến lý do sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 38, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, tình hình thực tiễn thời gian qua (nguồn lực quốc gia hạn hẹp, kêu gọi đầu tư hạn chế, khó huy động nguồn vốn phát triển (ODA)... khiến một số đoạn tuyến phải chuyển đổi hình thức đầu tư và sử dụng nguồn vốn khác để triển khai nhằm đảm bảo tiến độ cũng như tạo sự đồng bộ với các quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ khác đang triển khai. Trong khi đó, quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh đã được cập nhật, bổ sung và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 194 để đáp ứng nhu cầu vận tải cũng như yêu cầu phát triển KT-XH các khu vực tuyến đi qua và phù hợp với quy hoạch GTVT liên quan, đặc biệt là quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam và quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt. Do vậy, chiều dài, hướng tuyến, quy mô của một số đoạn đã được điều chỉnh so với số liệu đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 38.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 cho việc thực hiện thông tuyến hai làn xe đường Hồ Chí Minh vào khoảng 65.000 tỷ đồng. Để có thể hoàn thành giai đoạn 2 và nâng cấp mở rộng đoạn qua Tây Nguyên (QL14 cũ) vào năm 2015, nhu cầu vốn còn thiếu khoảng 24.003 tỷ đồng.
Cần có cơ chế cho việc huy động vốn
Tờ trình của Chính phủ đề nghị điều chỉnh một số nội dung cơ bản về tổng chiều dài toàn tuyến, hướng tuyến, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo đó, so với Nghị quyết số 38 (chiều dài toàn tuyến là 3.167km), tổng chiều dài toàn tuyến điều chỉnh là 3.183km (tăng 16km). Điều này là do tuyến chính có điều chỉnh đi tránh các thành phố, thị xã, thị trấn để giảm khối lượng GPMB, điều chỉnh hướng tuyến ở những vị trí có địa hình khó khăn...
Đưa ra những lo ngại về nguồn vốn, cũng như băn khoăn về việc liệu dự án có hoàn thành vào năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong tình hình khó khăn như hiện nay, cần rà soát kỹ hơn nữa việc thay đổi hướng tuyến. Ông Hiển cũng đề nghị “Quốc hội đã quyết định về chủ trương đầu tư dự án thì cũng phải “bấm nút” về vấn đề kinh phí”. Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ & Môi trường về tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị xác định cụ thể khả năng huy động các nguồn vốn và các đoạn tuyến ưu tiên, đảm bảo tính khả thi.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Quảng Bình
Mặc dù cho rằng, băn khoăn lớn nhất của Thường vụ Quốc hội vẫn là nguồn vốn, tổng mức đầu tư, tiến độ phân kỳ đầu tư..., nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, Quốc hội giao Chính phủ lo nguồn vốn, ban hành chính sách, cơ chế, giải pháp thực hiện như đề xuất trong tờ trình của Chính phủ.
Về vấn đề vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, nguồn vốn chủ yếu là Trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư giai đoạn 3; Xem xét, quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động các nguồn lực triển khai dự án đúng tiến độ yêu cầu, đặc biệt là cơ chế về huy động vốn và giải phóng mặt bằng.
Cho ý kiến kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, trong Nghị quyết của Quốc hội cần thể hiện rõ: Tiến độ dự án, nguồn vốn, số vốn huy động từ Trái phiếu Chính phủ đến phân kỳ đầu tư, điều chỉnh hướng tuyến, mặt cắt..., không nêu chung chung.
Nguôn: giaothongvantai.com.vn