Huy động vốn tư nhân: Kỷ lục 90.000 tỷ đầu tư hạ tầng giao thông

Thứ ba - 15/10/2013 13:00. Xem: 141
 Trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông hạn chế, ngành GTVT đã có những bước đi mang tính đột phá, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực ngoài xã hội. Chỉ trong 3 năm, số vốn khổng lồ lên đến 90.000 tỷ đồng ngoài ngân sách đã được rót vào các dự án giao thông. Đây là điều chưa có trong tiền lệ.

  

17 dự án mở rộng QL1 đang được triển khai bằng phương thức BOT
17 dự án mở rộng QL1 đang được triển khai bằng phương thức BOT
Áp lực đè nặng

Mặc dù đã có bước phát triển mạnh mẽ nhưng hệ thống hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí còn là lực cản trong quá trình phát triển của đất nước với nhịp độ tăng trưởng cao hơn. Thực tế, trên địa bàn cả nước đã xuất hiện nhiều “nút thắt cổ chai” làm cản trở phát triển kinh tế, nhất là trên hành lang vận tải Bắc – Nam, tại các vùng kinh tế trọng điểm. 

Không những thế, gần đây, ngành GTVT còn phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt. Nguồn lực từ ngân sách giảm sút, ODA ít dần do Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình nên vốn cho hạ tầng thiếu trầm trọng. Hàng trăm công trình giao thông của TƯ và địa phương phải đình hoãn, giãn tiến độ, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Vốn ngân sách dành cho ngành GTVT trong 3 năm qua rất hạn chế, chỉ đạt 20% so nhu cầu vốn giai đoạn 2011 - 2015. Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ xác định nguồn vốn cho đầu tư  xây dựng hạ tầng giao thông lại rất lớn. Giai đoạn 2011 - 2015, cần tới 480.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2020 cần 730.000 tỷ đồng. Tất cả những điều đó tạo nên áp lực vô cùng lớn cho ngành GTVT.
 
Số vốn khổng lồ lên đến 90.000 tỷ đồng ngoài ngân sách đã được rót vào các dự án giao thông
Số vốn khổng lồ lên đến 90.000 tỷ đồng ngoài ngân sách đã được rót vào các dự án giao thông
Cái khó ló cái hay

Trước tình thế đó, trong cái khó đã ló ra nhiều cái hay. Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã chủ động xây dựng và triển khai Đề án tái cơ cấu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách theo các hình thức BOT, PPP... 

Ông Nguyễn Hoằng - Vụ trưởng Vụ KHĐT (Bộ GTVT) cho biết, chỉ sau khoảng 3 năm, nguồn vốn ngoài ngân sách huy động đạt gần 90.000 tỷ đồng. Trong đó, các dự án BOT mở rộng QL1 đạt 43.720 tỷ đồng, các dự án BOT mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) gần 6.000 tỷ đồng và các dự án khác khoảng 40.000 tỷ đồng.  Trên tuyến QL1, ngoài đoạn Hà Nội - Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành, đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ còn lại được chia thành 37 dự án, trong đó có 17 dự án được đầu tư theo hình thức BOT (dài 608km). Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cũng có 5 dự án đầu tư theo BOT. Tất cả các dự án này gần như đã hoàn tất khởi công để thi công đồng loạt, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2016.
 
Không bỏ lỡ cơ hội

Theo ông Trần Xuân Sanh- Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, chưa khi nào ngành GTVT huy động được một lượng vốn khổng lồ như vậy từ ngoài ngân sách. Có thể nói, chỉ trong 3 năm, số dự án BOT và vốn của tư nhân huy động được cho hạ tầng giao thông bằng cả mấy chục năm trước cộng lại. “Nhiều người đặt câu hỏi vì sao ngành GTVT lại làm được điều mà bao nhiêu năm trước không làm được. Nhà đầu tư cũng không tự dưng bỏ tiền ra nếu không thấy hấp dẫn và chúng ta thu hút không tốt. Cả hệ thống chính trị, từ lãnh đạo Bộ đến các cơ quan chức năng đã vào cuộc và đặt mục tiêu huy động nguồn lực lên trên hết mới có thể đạt được kết quả như mong muốn”- ông Sanh nói.
 
"Khi kêu gọi nhà đầu tư, nếu thấy có tiềm năng, mời 1 lần chưa được thì 3, 4 lần, thậm chí đeo bám đến cùng để thuyết phục. Khi nhà đầu tư đã chấp thuận rồi cũng chưa phải là xong, các cơ quan chức năng phải tháo gỡ “nút thắt”, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án triển khai hiệu quả”. 
 
Ông Trần Xuân Sanh

Ông Sanh cũng cho biết, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhiều lần khẳng định, thời điểm này chính là cơ hội lớn để thu hút vốn ngoài ngân sách cho hạ tầng giao thông. Nếu không nắm bắt lấy sẽ không có lần thứ hai. Các cơ quan chức năng của Bộ GTVT tạo điều kiện tối đa về thủ tục, cơ chế thông thoáng nhất. Ngay trong nhận thức cũng phải thay đổi, mình phải phục vụ các nhà đầu tư chứ không phải nhà đầu tư phục vụ mình. 

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, việc quyết liệt triển khai các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn BOT là điều đặc biệt có ý nghĩa, trong bối cảnh các nguồn lực dành cho hạ tầng đang rất khó khăn. “Việc huy động một khối lượng lớn nguồn vốn BOT đã giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và tạo thế chủ động trong thực hiện đầu tư, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ” – Bộ trưởng nói.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây