Tham dự hội nghị, có PGS.TS. Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT), chủ trì hội nghị; các đại biểu tới từ Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN), Cục quản lý xây dựng và CLCTGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI); Trường đại học Xây dựng, Trường đại học GTVT, Trường đại học Công nghệ GTVT, GS.TS Trần Đình Bửu, đại diện Lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ GTVT và nhóm biên soạn.
Trong những năm gần đây, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe (HLVBX) xuất hiện nhiều tại các tuyến quốc lộ, các tuyến đường có qui mô giao thông lớn gây mất an toàn cho người tham gia giao thông cũng như gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân gây ra HLVBX do BTN bị chảy dẻo là do BTN “yếu”, không đủ cường độ kháng cắt để chống lại ứng suất cắt do tải trọng bánh xe gây ra trong lớp BTN.
Cường độ kháng cắt của BTN phụ thuộc lực dính của BTN; góc nội ma sát φ và ứng suất pháp tuyến do tải trọng xe gây ra.
Lực dính của BTN phụ thuộc chủ yếu vào đặc tính của nhựa đường, đặc tính của vữa nhựa (hỗn hợp nhựa đường - hạt khoáng mịn) trong BTN.
Góc nội ma sát φ: phụ thuộc chủ yếu vào đặc tính của cốt liệu (đá dăm, cát) trong BTN. Góc nội ma sát đạt được là do sự cài móc vào nhau của các hạt cốt liệu. Giá trị của φ lớn khi cốt liệu có độ nhám cao, có độ góc cạnh lớn và thành phần hạt hợp lý. Sự cài móc cơ học của các hạt cốt liệu đóng vai trò quan trọng tới khả năng kháng cắt, trong đó độ góc cạnh của cốt liệu mịn và cốt liệu thô là các nhân tố chính. Khi tải trọng xe tác dụng lên lớp BTN, các hạt cốt liệu sẽ cài móc chặt chẽ với nhau thành một khối thống nhất, nhựa đường và cốt liệu khi đó có vai trò như màng cao su và lò xo để đưa hỗn hợp BTN trở về trạng thái ban đầu mà không xuất hiện biến dạng dư tích lũy.
Trong Tiêu chuẩn “Mặt đường BTN nóng – Yêu cầu thi công và nghiệm thu” TCVN 8819:2011 đã có qui định chỉ tiêu chỉ tiêu độ góc cạnh của cát (cốt liệu mịn) với phương pháp thử theo TCVN 8860-7:2011. Tuy nhiên đối với chỉ tiêu độ góc cạnh của cốt liệu thô (được định nghĩa là phần trăm theo khối lượng của các hạt cốt liệu có kích thước lớn hơn 4,75mm với một hoặc nhiều bề mặt được nghiền vỡ) hiện nay chưa có các qui định về phương pháp thử tại Việt Nam. Chính vì vậy việc xây dựng Tiêu chuẩn “Bê tông nhựa – Phương pháp thử xác định độ góc cạnh của cốt liệu thô” là cần thiết hiện nay để kiểm soát tốt hơn chất lượng của đá dăm cho sản xuất BTN, nhằm tăng khả năng chống HLVBX.
Tại hội nghị, chủ trì biên soạn đã trình bày tóm tắt sự cần thiết, cơ sở xây dựng và những nội dung dự thảo của tiêu chuẩn. Tiếp thu và giải trình các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan.
Theo yêu cầu của chủ trì Hội nghị, nhóm biên soạn tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội nghị, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo và thủ tục trình Bộ GTVT theo quy định.
Một số hình ảnh Hội nghị
Hình ảnh thiết bị thí nghiệm xác định độ góc cạnh của cốt liệu thô tại Viện khoa học và công nghệ GTVT
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện