Hiện nay chất thải rắn trong xây dựng dân dụng nói chung và trong xây dựng công trình giao thông đường bộ nói riêng là vấn đề hết sức bức thiết trong công tác xây dựng, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa công trình giao thông đường bộ. Chất thải rắn trong xây dựng công trình giao thông đường bộ cũng như các chất thải rắn khác gây ô nhiễm môi trường sống, cản trở giao thông, gây tai nạn giao thông, gây ra các bệnh tật cho người tham gia giao thông. Nếu không được tận dụng, xử lý, tái sử dụng thì chất thải sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường rất lớn, hoặc sẽ cần nhiều chi phí để chôn lấp. Quản lý, xử lý, tái sử dụng chất thải rắn trong xây dựng công trình giao thông đường bộ thành công sẽ giải quyết được môi trường và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia.
Từ thực tế trên, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã được Bộ GTVT giao xây dựng đề án môi trường "Xử lý tái sử dụng chất thải rắn trong xây dựng công trình giao thông đường bộ", mã số: MT103005 do ThS. Huỳnh Thanh Bình làm Chủ nhiệm đề án.
Tiếp thu ý kiến đồng góp của các nhà khoa học qua các cuộc Hội thảo và cuộc họp Hội đồng đánh giá cơ sở ngày 7/11/2014, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện đề án và ngày 05/02/2015, Bộ GTVT đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đề án môi trường nêu trên.
Tham dự cuộc họp có TS. Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT cùng các thành viên của Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ theo Quyết định số 46/QĐ-BGTVT ngày 08/01/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Về phía Viện Khoa học và công nghệ GTVT có TS. Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng, đại diện cho cơ quan chủ trì đề án.
Tại cuộc họp, ThS. Huỳnh Thanh Bình, Chủ nhiệm đề án đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề án với các nội dung sau: 1- Nghiên cứu Tổng quan về : Vật liệu xây dựng nền móng công trình giao thông đường bộ; Nguồn gốc, phân loại chất thải rắn; Một số kinh nghiệm và chương trình bảo vệ môi trường về xử lý chất thải rắn; Đặc điểm chất thải rắn trong xây dựng công trình giao thông đường bộ; 2- Đánh giá tình trạng phát sinh, quản lý và xử lý chất thải rắn trong xây dựng công trình giao thông đường bộ; 3- Nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý, tái sử dụng chất thải rắn trong xây dựng công trình giao thông; 4- Xây dựng đoạn đường thử nghiệm; 5- Kết luận –kiến nghị.
Mục tiêu của đề án:
- Đánh giá hiện trạng chất thải rắn do hoạt động xây dựng (phá dỡ, đào bóc…v.v) trong xây dựng công trình giao thông đường bộ.
-Đánh giá hiện trạng của việc tái sử dụng chất thải rắn trọng thực tế hiện nay và khả năng ứng dụng trong trong xây dựng móng, mặt đường giao thông.
-Đánh giá công nghệ xả lý, tái sử dụng chất thải rắn trong xây dựng công trình giao thông đường bộ.
- Xây dựng các giải pháp giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trong xây dựng công trình giao thông.
- Xây dựng dự thảo “Quy trình công nghệ xử lý tái sử dụng chất thải rắn” và dự thảo “Quy trình công nghệ thi công lớp móng đường ô tô bằng chất thải rắn gia cố xi măng”.
Với những kết quả nghiên cứu đã đạt được, sản phẩm của đề án là hai dự thảo nêu trên cùng với một đoạn đường thử nghiệm mà trước đó Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ đã thị sát hiện trường tại Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội, Hội đồng đánh giá đề án đã cơ bản hoàn thành các nội dung và mục tiêu nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của đề án có thể áp dụng vào thực tế hoạt động của ngành giao thông vận tải. Đồng thời, Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm đề án và nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề án theo các ý kiến đóng góp của Hội đồng, đồng thời hoàn thiện thủ tục nghiệm thu theo quy định.
Một số hình ảnh của buổi họp
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện