Phối cảnh cầu Châu Đốc - An Giang.
Trong công văn vừa gửi tới Bộ GTVT, UBND tỉnh An Giang cho biết là đồng ý tiếp nhận dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Châu Đốc và thực hiện nhiệm vụ là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh này đề nghị Bộ GTVT khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao dự án về UBND tỉnh An Giang quản lý thì cho tỉnh An Giang được tiếp tục thực hiện theo chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và hồ sơ đã được Bộ GTVT phê duyệt để tránh lãng phí chi phí và thời gian, gồm: chủ trương đầu tư cầu Châu Đốc theo hình thức hợp đồng BOT theo Văn bản số 1818/TTg-KTN ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án BOT xây dựng cầu Châu Đốc số 4316/QĐ-BGTVT ngày 07/12/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT và các hồ sơ liên quan khác.
Trên cơ sở này, UBND tỉnh An Giang chỉ thực hiện điều chỉnh phương án tài chính, thẩm định, phê duyệt lại và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Trước đó, Bộ GTVT đã có công văn đề nghị UBND tỉnh An Giang nhận lại Dự án BOT xây dựng cầu Châu Đốc.
Dự án BOT xây dựng cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại các văn bản: số 1818/TTg-KTN ngày 13/10/2015 và số 7493/TTg-KTN ngày 21/9/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng công trình cầu Châu Đốc theo hình thức hợp đồng BOT thay thế phà Châu Giang trên tuyến N1.
Việc triển khai Dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về hình thức đối tác công - tư kéo dài hơn 3 năm đã cơ bản hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và Bộ GTVT đang tiến hành đàm phán Hợp đồng BOT; trong khoảng thời gian này một số quy định pháp luật mới ban hành đã có sự thay đổi khiến cho tổng mức đầu tư và phương án tài chính thay đổi như: Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá; Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý; Thông tư số 88/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.
Trong quá trình đàm phán, Bộ GTVT đã đề nghị Nhà đầu tư (Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng 168 - Công ty Cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng 620) rà soát tổng mức đầu tư, phương án tài chính để các bên cùng nghiên cứu phương án.
Theo báo cáo của Nhà đầu tư, mặc dù tổng mức đầu tư sau khi rà soát có điều chỉnh giảm so với tổng mức đầu tư ban đầu (cập nhật đơn giá, nhiên liệu, dự phòng) nhưng do có biến động về mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ, lưu lượng xe thực tế tại phà Tân Châu, Hồng Ngự giảm hơn so với lưu lượng dự báo ban đầu nên Dự án vẫn không đảm bảo hoàn vốn, không đủ cơ sở để vay ngân hàng thương mại. Do vậy, Nhà đầu tư đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Dự án khoảng 190 tỷ đồng (trong đó có 80 tỷ UBND tỉnh An Giang đã đồng ý hỗ trợ cho công tác GPMB, cần bổ sung 110 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho công tác xây dựng).
Việc Nhà đầu tư đề nghị Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 110 tỷ đồng cho Dự án là không khả thi vào giai đoạn này do Dự án không nằm trong tiêu chí phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, hiện nay kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội phân bổ hết. Trong khi đó, Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết là ngân sách địa phương cũng hết sức hạn hẹp.
Qua buổi đàm phán với nhà đầu tư, Sở GTVT tỉnh An Giang có đề xuất thêm phương án tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện gắn máy 2 bánh qua cầu để có nguồn thu bổ sung cho Dự án (ước tính theo doanh thu hiện nay khoảng 19 tỷ đồng/năm). Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT, việc thu giá sử dụng đường bộ của xe gắn máy hai bánh không nằm trong nhóm các đối tượng phải thanh toán giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư do Bộ GTVT quản lý. Trường hợp UBND tỉnh An Giang là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thì phương án thu giá dịch vụ này thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh An Giang.
Qua nhiều lần đàm phán đã không thống nhất được phương án với Nhà đầu tư như hồ sơ mời thầu và phương án hỗ trợ GPMB như hiện nay. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh An Giang xem xét việc tiếp nhận Dự án và thực hiện nhiệm vụ là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, qua đó có thể xây dựng phương án thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phù hợp và tháo gỡ khó khăn về doanh thu cho Dự án.
Bộ GTVT cho biết là sẽ ủng hộ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Trong trường hợp UBND tỉnh An Giang không tiếp nhận Dự án, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, việc thay đổi quy định pháp luật về giá, lãi vay, phương án tài chính làm cho Dự án không còn tính khả thi và xin dừng đầu tư Dự án theo hình thức hợp đồng BOT.
Nguồn: baodautu.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện