Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, gói thầu xây dựng đoạn tuyến trên cao dự án Nhổn - ga Hà Nội hiện đạt hơn 99,5% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019. Đoạn trên cao có 8 nhà ga, được tách thành gói thầu riêng, đang được thi công lắp đặt mái che, hoàn thiện kết cấu nhà ga, sau đó lắp đặt hệ thống thang máy, thông gió và phòng cháy chữa cháy.
Dự kiến các ga nhà ga trên cao và công trình Depot cùng hoàn thành vào tháng 10/2020 để đáp ứng mục tiêu đưa đoạn 8,5km trên cao của dự án vào vận hành chính thức từ tháng 4/2021. Còn đoạn 4km đi ngầm hoàn thành, đi vào vận hành cuối năm 2022.
Quan sát của PV Báo Giao thông, hiện chưa nhà ga trên cao nào của dự án thi công đến phần cầu thang dẫn từ mặt đất lên tầng trung chuyển nhà ga nên chưa rõ cách thức để hành khách tiếp cận với khu vực ga trên cao.
Ngày 6/9, trao đổi với Báo Giao thông, đơn vị quản lý dự án cho biết, các ga trên cao có thiết kế cơ bản giống nhau, bao gồm hai tầng, tầng trung chuyển (mua vé) và ke ga (khách lên tàu). Tuy nhiên, thiết kế nhà ga không có thang máy dành cho hành khách thông thường, mà chỉ có thang máy dành cho người khuyết tật.
“Các ga trên cao được thiết kế với kết cấu 2 tầng, bao gồm tầng trung chuyển và tầng ke ga. Tầng trung chuyển được bố trí tại khu vục kỹ thuật metro và cũng là nơi mà hành khách nhận các dịch vụ thêm khác. Hành khách tiếp cận tầng trung chuyển nhà ga bằng 4 lối vào nối với đường bộ đến tầng trung chuyển. Sau khi đi qua tầng trung chuyển, hành khách lên tầng ke ga để tiếp cận tàu và bắt đầu hành trình.
Các lối vào của tất cả các ga (4 lối/ga) để thu các hành khách từ các đường đi bộ, các lối tiếp cận này được kết hợp bằng hai kết cấu: lối dẫn vào và cầu đi bộ. Ga trên cao được thiết kế có thang máy cho người tàn tật; thang bộ có mái che và có 4 lối soát vé”, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết.
Như vậy có thể thấy, thiết kế ga trên cao tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội không bố trí thang máy cuốn cho hành khách thông thường như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Cụ thể, ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông bố trí thang cuốn máy chiều lên từ vỉa hè đến cầu dẫn tầng trung chuyển, từ tầng trung chuyển lên ke ga cũng có thang cuốn máy chiều lên, cũng như thang bộ thiết kế đủ rộng để hành khách muốn đi bộ.
Ngoài ra, hệ thống thang máy đứng dành cho người khuyết tật được lắp từ mặt đất lên tầng ke ga và có đường gờ di chuyển trên ke ga để người khuyết tật nhận diện. Tuyến đường sắt này dài hơn 13km và có 12 nhà ga.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện