Màu xanh ngút ngàn trên một cung đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Kỳ tích 2 năm
“Chúng tôi sẽ sớm kết thúc toàn bộ công tác thi công, bao gồm cả các tuyến đường gom mới phát sinh và các công trình an toàn giao thông. Khi thông xe và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn vào khoảng cuối tháng 9/2019 thì đó sẽ là một sản phẩm hoàn thiện”, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn khẳng định.
Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cũng cho hay, theo kế hoạch, ngày 15/9/2019, doanh nghiệp dự án sẽ hoàn thành các hạng mục tuyến chính, 10/2019 hoàn thành công tác nghiệm thu, 12/2019 hoàn thiện thủ tục thu phí đối với dự án này.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên về Dự án này không chỉ bởi tiến độ thi công thần tốc mà còn bởi chất lượng và sự chăm chút đến từng hạng mục nhỏ của nhà đầu tư”, một thành viên của đoàn công tác đánh giá công tác đảm bảo ATGT của Bộ GTVT nhận xét.
Đi dọc tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn khi ngắm nhìn những đường sơn kẻ mặt đường đã được thi công ngay ngắn trên lớp bê tông tạo nhám 2,5 cm đen nhánh, nổi bật giữa sắc xanh của những mái taluy dương đã ngút ngàn màu cỏ, ít ai tưởng tượng được Dự án này mới chỉ 2 năm trước còn ngập trong khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản.
Trên thực tế, Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn gồm hợp phần cao tốc dài 64km và hợp phần tăng cường mặt đường dài 105km, mức đầu tư tới 12.000 tỉ đồng, và khởi công từ tháng 7/2015 nhưng do nhà đầu tư cũ (Công ty UDIC) không thu xếp được tín dụng nên dự án bị dừng gần 02 năm. Thời điểm đó, hợp phần quốc lộ 1 đạt 13% sản lượng, hợp phần cao tốc thậm chí chưa triển khai.
Tháng 3/2017, Bộ GTVT quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư (đứng đầu là UDIC). Sự đình trệ này đã đẩy các nhà thầu lâm vào cảnh sống dở chết dở vì họ đã ứng vốn trước để thực hiện dự án; để lại dư luận rất xấu cho người dân và chính quyền địa phương nơi con đường đi qua.
Tình hình này khiến lãnh đạo Bộ GTVT đã phải kêu gọi những nhà đầu tư có năng lực giải cứu Dự án. Tháng 6/2017, sau khi Bộ GTVT mời các nhà đầu tư mới (thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả) tham gia, chỉ trong thời gian ngắn đã nỗ lực giải quyết các vướng mắc về tài chính, ký kết hợp đồng tín dụng, xử lý các nhà thầu năng lực yếu kém… đưa toàn bộ Dự án trở lại quỹ đạo như mong muốn.
Đồng thời, Thủ tướng chính phủ đã cho phép chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn khiến nhiều tồn tại liên quan đến phê duyệt, điều chỉnh dự án được tháo gỡ như: công tác giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự… và đặc biệt là việc giải quyết được tồn tại về lãi vay. Đến thời điểm hiện nay, dự án không những đã bù đắp được 2 năm bị dừng trước đó mà vượt tiến độ so với hợp đồng BOT ban đầu 18%.
Một trong những vấn đề mà Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn đồng thuận rất cao với UBND tỉnh Lạng Sơn khi tham gia Dự án là kiến nghị xóa bớt một trạm thu phí trên tuyến đường 105km này.
“Nếu có hai trạm thu, đương nhiên nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn nhiều về phương án tài chính. Thế nhưng, nếu nhà đầu tư không hài hòa lợi ích với người dân, thì cả hai sẽ khó tìm được sự đồng thuận lâu dài. Giải pháp này sẽ khiến chúng tôi khó khăn hơn về phương án tài chính, nhưng chắc chắn người dân sẽ hài lòng”, lãnh đạo Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn chia sẻ.
Về đích
Ngày 23/8/2019, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước do thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng – Phó Chủ tịch thường trực hội đồng chủ trì thăm và kiểm tra công tác thi công dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.
Tham gia đoàn công tác còn có ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đại diện sở ban ngành, Cục QLXD & CLCTGT, Ban QLDA ĐTXD tỉnh Lạng Sơn, các đơn vị tư vấn TKKT, TVGS và các nhà thầu.
Ông Phạm Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đánh giá, đây là một Dự án quan trọng không riêng Lạng Sơn mà của cả nước. Từ khi được giao vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Lạng Sơn theo dõi sát sao công tác thi công dự án, trung bình “một tháng kiểm tra 1 lần”.
“Chúng ta khởi công lại từ 6/2017, với độ dài tuyến lên tới 64km, vừa phải làm cầu cống, vừa phải san đồi, bạt núi. Nhiều người khi đó không tin công trình có thể hoàn thành nên để có được ngày hôm nay cần phải ghi nhận nỗ lực và đẳng cấp của nhà đầu tư BOT”, ông Trưởng đánh giá và đề nghị nhà đầu tư lên kế hoạch trồng thêm cây xanh để làm đẹp cảnh quan, đưa tuyến đường cao tốc này trở thành một tuyến đường sinh thái.
Thứ trưởng Bộ Xây dưng Lê Quang Hùng nhận định: “Tập đoàn Đèo Cả đang là nhà đầu tư lớn nhất về đầu tư hạ tầng, đã làm được những công trình lớn đảm bảo chất lượng cho nên chúng tôi khá yên tâm. Qua kiểm tra tuyến cho thấy chất lượng đến giờ phút này đạt yêu cầu. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan phải thực hiện việc kiểm tra độc lập để có thể loại bỏ các sai sót, khiếm khuyết”.
Ông Hùng cho biết song song với việc hoàn thiện các hạng mục còn lại của công trình, nhà đầu tư và tỉnh Lạng Sơnphải lưu ý đến việc hoàn trả mặt bằng, ổn định dân sinh, có biện pháp bảo vệ an ninh trật tự và an toàn giao thông trên địa bàn Dự án đi qua.
Nguồn: baodautu.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện