Sáng 15/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư về dự án nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo, giai đoạn 2.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, năm 2009, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư xây dựng dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo với tổng mức đầu tư 4.221 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2010 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến nền kinh tế nên lượng hàng vận chuyển qua kênh Chợ Gạo có thay đổi, xu hướng sử dụng đội tàu vận tải qua kênh cũng không tăng trưởng như dự báo.
Năm 2013, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư giảm còn 2.263 tỷ đồng trên cơ sở điều chỉnh kích thước cơ bản luồng tàu, chiều rộng đáy tàu 80m, xuống 55m, độ sâu chạy tàu 4m xuống 3,1m, bán kính cong tối thiểu của luồng 500m xuống 300m. Dự án được phân kỳ làm 2 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 đầu tư 786 tỷ đồng, giai đoạn 2 đầu tư 1.477 tỷ đồng.
Hiện, giai đoạn 1 đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng (sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ) với khối lượng nạo vét 17m/28,6km đoạn từ Rạch Lá đến Kỳ Hôn đạt tiêu chuẩn cấp II đường thủy nội địa. Đồng thời nạo vét mở rộng 1/2 luồng về phía bờ Bắc kênh Chợ Gạo, xây dựng 6,25km kè thảm đá bờ Bắc và 5,9km kè trồng cây tại Rạch Kỳ Hôn và Rạch Lá, xây dựng 6,2km đường giao thông nông thôn loại B tại Bắc kênh Chợ Gạo.
Để khắc phục tình trạng quá tải, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện dự án giai đoạn 2 không thể cân đối được, tháng 7/2016, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến luồng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 theo hình thức BOT. Dự án có mục tiêu đầu tư nâng cấp, ổn định tuyến kênh Chợ Gạo, khắc phục triệt để vấn đề quá tải và ùn tắc tàu thuyền nhằm tăng khả năng thông qua, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải thủy trên tuyến hiện tại và lâu dài.
Tuy nhiên, qua lấy ý kiến của các UBND, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các doanh nghiệp vận tải, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án, kết quả tham vấn không khả thi khi lợi ích giữa các bên không gặp nhau.
Ngoài việc không đảm bảo tính khả thi tài chính, nếu triển khai nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo, giai đoạn 2 theo hình thức BOT còn không thể đảm bảo công bằng tuyệt đối cho các đối tượng sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Do vậy, Bộ GTVT đã đề xuất và được Thủ tướng cho phép dừng thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BOT.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật còn cho rằng, hiện nay phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông nhiều đã gây ra sạt lở 9,4km đoạn bờ Nam kênh Chợ Gạo thuộc xã Bình Phục Nhất, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo, trong đó có đoạn sạt lở nghiêm trọng hơn 6km (sạt lở sâu vào bờ từ 5-20m) làm mất hơn 2/3 mặt đường. Thời gian qua đã có 3 vụ tai nạn chết người do người dân đi lại rơi xuống kênh, nhiều vụ học sinh đi học rơi xuống kênh bị thương.
“Trong thời gian tới, nếu không khắc phục kịp thời sẽ tiếp tục sạt lở nghiêm trọng, không còn đường giao thông để đi lại cũng như khó khăn cho cuộc sống của người dân. Do vậy, việc bố trí vốn ngân sách để thực hiện giai đoạn 2 của dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo là vấn đề cấp thiết nhằm sớm đưa tuyến kênh vào vận hành một cách hoàn chỉnh. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL nói chung và ổn định đời sống người dân khu vực Dự án nói riêng”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Trực tiếp khảo sát tuyến kênh Chợ Gạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, tuyến này bị ách tắc rất nghiêm trọng, làm tăng chi phí vận tải thủy. Mặt khác, bờ sông dọc tuyến đang bị sạt lở sâu, gây thiệt hại tài sản và tính mạng người dân dọc hai bờ sông.
Phó Thủ tướng đánh giá, đây là một trong những “nút thắt” giao thông thủy lớn nếu nút thắt này không được giải quyết sẽ giảm năng lực vận tải của cả khu vực ĐBSCL, do đó nhiệm vụ cấp bách hiện nay là cần gấp rút tháo gỡ nút thắt này. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát, bổ sung cập nhật quy hoạch đường thủy nội địa VN nói chung đặc biệt là đường thủy nội địa ĐBSCL, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, rà soát lại kế hoạch đầu tư ĐBSCL trên cơ sở quy hoạch. Để từ đó xác định nguồn vốn, cơ cấu vốn, lộ trình thực hiện và xác định các dự án ưu tiên. Trong đó dự án kênh Chợ Gạo phải đưa vào là một trong những dự án ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.
Theo Phó Thủ tướng, kênh Chợ Gạo không thể đầu tư BOT vì đây là tuyến độc đạo người dân không có quyền lựa chọn. “Đối với dự án này nên đầu tư bằng vốn ngân sách”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các Bộ ngành liên quan phải làm việc ngay để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét bố trí vốn thực hiện giai đoạn 2 của dự án bằng vốn ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng. Về địa phương tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng đề nghị phải thực hiện tốt công tác GPMB, vận động, tuyên truyền để người dân thực hiện tốt chủ trương của dự án trên.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện