Theo Nghị quyết 556 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31/7/2018, có 10 dự án đường bộ và 4 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Cụ thể, 10 dự án đường bộ (tổng vốn 8.000 tỷ đồng) gồm: Dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn; Dự án QL27 đoạn tránh Liên Khương; dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; Dự án đường nối QL4C và 4D (Km238 - Km414); Dự án QL3B (Km0 - Km66+600); Dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24; Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25; Dự án cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày.
“Về kế hoạch bố trí vốn cho 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách, năm 2019, Bộ GTVT đã đề nghị bố trí 3.878,5 tỷ đồng. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn và năm 2019 cho 7 dự án: Đường sắt Hà Nội - Vinh, tuyến nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án QL24, dự án QL25, dự án QL53, dự án QL57, dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp. Đồng thời, Bộ GTVT đang tiếp tục đề nghị giao kế hoạch đầu tư trung hạn và năm 2019 cho 7 dự án còn lại.”
Ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT cho biết, đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh 14 dự án. Trong đó, 8 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, các chủ đầu tư, ban QLDA đang triển khai công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách GPMB, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt dự án đầu tư. Các dự án này sẽ được khởi công sớm nhất trong tháng 9/2019, hoàn thành muộn nhất tháng 7/2020.
“Còn lại 6 dự án phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, các chủ đầu tư, ban QLDA đang triển khai công tác khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công để phấn đấu khởi công sớm nhất trong tháng 5/2019, muộn nhất trong tháng 9/2019”, ông Lâm nói.
Theo kế hoạch triển khai, 4 dự án đường sắt đều được các chủ đầu tư, ban QLDA đăng ký hoàn thành vào khoảng cuối năm 2021.
Liên quan đến 14 dự án giao thông cấp bách sử dụng 15 nghìn tỷ đồng từ vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá một số dự án đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư khá tốt, điển hình là dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số triển khai chậm so với yêu cầu, nhất là 4 dự án đường sắt và hai dự án đường bộ: Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24 và dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL25.
Để đáp ứng yêu cầu tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh các bước tiếp theo. “Chậm nhất, trong năm 2020 phải hoàn thành toàn bộ 10 dự án đường bộ, còn lại 4 dự án đường sắt hoàn thành trước 30/6/2021”, Bộ trưởng yêu cầu.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện