“Hố đen” tài chính tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Chủ nhật - 10/03/2019 13:00. Xem: 80
 Việc chưa thể nhận được các khoản hỗ trợ đã cam kết khiến Dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trị giá 44.818 tỷ đồng thực sự là gánh nặng quá sức đối với các nhà đầu tư.

  Do cả 3 khoản hỗ trợ chưa tới tay, nên chủ Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vẫn phải trả nợ lãi phát sinh với các khoản này với lãi suất 10%/năm. Ảnh: Mạnh Thắng

Do cả 3 khoản hỗ trợ chưa tới tay, nên chủ dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vẫn phải trả nợ lãi phát sinh với các khoản này với lãi suất 10%/năm. Ảnh: Mạnh Thắng


Kích hoạt hỗ trợ

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trong vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền vừa chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ kích hoạt các khoản cam kết hỗ trợ nhà đầu tư Dự án BOT đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từng được người đứng đầu Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 về việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với Dự án.

Cụ thể, trong Văn bản số 1747/BGTVT - ĐTCT, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét tháo gỡ, sớm bố trí các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định 746/QĐ-TTg và chấp thuận cập nhật các số liệu phương án tài chính để phê duyệt điều chỉnh phương án tài chính và ký kết phụ lục Hợp đồng BOT Dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, tại Quyết định số 746/QĐ-TTg, Nhà nước cam kết hỗ trợ Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - nhà đầu tư Dự án 3 khoản: hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng (4.069 tỷ đồng); chuyển đổi cơ chế tài chính đối với các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án khu đô thị, khu công nghiệp được giao tại Quyết định 1621/QĐ-TTg cho Dự án bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 (4.723 tỷ đồng).

Thời hạn để kích hoạt các khoản hỗ trợ nói trên là sau 2 năm kể từ khi Dự án BOT đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào khai thác.

Trên thực tế, sau khi cập nhật các thông số bao gồm các khoản thu, chi thực tế để tính toán lại phương án tài chính đối với Dự án theo Quyết định 746/QĐ-TTg, thì thời gian hoàn vốn của Dự án là 29 năm, với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 9,39%.

Được biết, doanh thu thu phí của VIDIFI tại tuyến Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang tăng trưởng rất tốt so với phương án tài chính được phê duyệt năm 2016 cũng như năm 2017. Theo đó, doanh thu thực tế năm 2017 tại Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã vượt phương án tài chính lần lượt là 83 và 185 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, Dự án cũng chỉ có thể đảm bảo hoàn trả đủ nợ gốc và lãi vay, thu hồi được vốn đầu tư nếu 3 khoản hỗ trợ của Nhà nước được cung cấp sớm theo cam kết”, ông Trần Anh Tú, Phó tổng giám đốc VIDIFI cho biết.

Hệ lụy xấu

Cần phải nói thêm rằng, VIDIFI đã ngóng chờ 3 khoản hỗ trợ mà Nhà nước cam kết lên tới hơn 17.000 tỷ đồng từ 2 năm nay sau khi tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào khai thác năm 2015.

Theo Quyết định số 746/QĐ-TTg, khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc sẽ được chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào Dự án; khoản 100 triệu USD khác từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) cũng sẽ được chuyển đổi hoặc hỗ trợ phù hợp. Đến nay, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (VDB) - cổ đông lớn nhất tại VIDIFI đã trả nợ KFW 51 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng). Do chưa nhận được hướng dẫn thực hiện, nên dư nợ của VIDIFI tại VDB vẫn là 100 triệu USD. Bên cạnh đó, do cả 3 khoản hỗ trợ chưa tới tay chủ dự án, nên VIDIFI vẫn phải trả nợ lãi phát sinh với các khoản này với lãi suất 10%/năm, ảnh hưởng rất lớn tới phương án tài chính.

Ngoài các khoản hỗ trợ vẫn chưa được kích hoạt, mức phí sử dụng đường bộ tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5 bị bó cứng trong suốt thời gian qua cũng khiến phương án tài chính của Dự án có nguy cơ không đạt như kỳ vọng ban đầu.

Về lý thuyết, mức giá phí trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ do VIDIFI quyết định trong từng thời kỳ để đảm bảo yêu cầu hoàn vốn, nhưng vẫn thu hút được các chủ phương tiện đi vào đường cao tốc (hiện tại là 2.000 đồng/km/xe con tiêu chuẩn, bắt đầu từ năm 2016). Theo phương án tài chính phê duyệt, thực hiện tăng mức thu phí hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm trước đó (dự kiến là 4%/năm, bắt đầu tăng từ năm 2017). Tuy nhiên, đến nay, VIDIFI vẫn chưa được tăng giá theo lộ trình, gây ảnh hưởng đến nguồn thu của Dự án.

Trên Quốc lộ 5, mức giá được xây dựng theo quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT. Lộ trình tăng giá dự kiến 3 năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng 18%. Do thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, mức giá trên Quốc lộ 5 đã được điều chỉnh giảm so với phương án tài chính từ tháng 11/2016, đồng thời chưa được tăng giá theo lộ trình cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của Dự án.

“Nếu tiếp tục không nhận được khoản hỗ trợ và không được điều chỉnh mức phí, thì phương án tài chính Dự án sẽ bị phá vỡ với rất nhiều hệ lụy xảy ra”, lãnh đạo VIDIFI nhận định.

Dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Dài 105,5 km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h.

Tổng mức đầu tư tạm duyệt năm 2007 là 24.566 tỷ đồng, phê duyệt điều chỉnh vào tháng 8/2017 là 44.818 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 3.200 tỷ đồng, vốn vay là 41.618 tỷ đồng).

Dự án khởi công năm 2008, hoàn thành và đưa vào khai thác toàn bộ công trình vào tháng 12/2015.

Nguồn: baodautu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây