Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật tới dự và cùng đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang và Doanh nghiệp dự án ký Biên bản bàn giao
Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất bàn giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT kể từ ngày 22/3/2019.
Nội dung bàn giao gồm các tài liệu liên quan đến hồ sơ dự án, hiện trường triển khai dự án, các công việc dở dang liên quan đến dự án, trách nhiệm và quyền hạn của các bên. Cụ thể, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan tham mưu, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phối hợp chuẩn bị bàn giao các tài liệu và hiện trường dự án; chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các công việc đã tổ chức thực hiện đến thời điểm ngày 22/3/2019; phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục giải quyết những vấn đề còn dở dang có liên quan, cũng như trong quá trình triển khai thực hiện thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành,…
UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan tham mưu tiếp nhận tài liệu và hiện trường dự án đến thời điểm bàn giao; chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những công việc sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện từ ngày 22/3/2019; kể từ ngày 22/3/2019, UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và cấp quyết định đầu tư đối với Dự án, tiếp tục triển khai thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật,…
Kể từ ngày 22/3/2019, UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cấp quyết định đầu tư đối với Dự án
Trước đó, ngày 18/3/2019, Văn phòng Chính phủ phát đi Văn bản 99 thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư dự án tích cực, chủ động hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để Dự án được thông tuyến vào cuối năm 2020.
Để sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho Dự án, tiếp tục đầu tư Dự án theo hình thức hợp đồng BOT có sự hỗ trợ bằng vốn ngân sách Nhà nước nhằm không để thời gian thu phí quá dài; đồng thời sớm đưa Dự án thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giảm bớt gánh nặng cho nhân dân trong vùng dự án.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ Bộ GTVT tải sang UBND tỉnh Tiền Giang. Các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sâu sát, chủ động, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ UBND tỉnh Tiền Giang triển khai dự án nhanh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện giao ban 2 tháng một lần để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ, đảm bảo phương án tài chính của Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2019.
Được biết, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương), điểm cuối tại nút giao với QL30. Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 9.668,5 tỷ đồng do Liên danh Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - Cầu đường CII làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện