Cầu vượt qua Quốc lộ xuyên Á của đường Hồ Chí Minh xây dựng dở dang, bị bỏ hoang phế. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN) |
Đây là đề xuất vừa được Bộ GTVT kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc hoàn thiện tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa.
Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép đầu tư tuyến đường đạt quy mô cao tốc hạn chế 4 làn xe theo hình thức BOT. Tính toán sơ bộ cho thấy nếu đầu tư theo phương án này, tổng mức đầu tư để hoàn thiện, nâng cấp tuyến đường Chơn Thành – Đức Hòa sẽ vào khoảng 3.800 tỷ đồng. Với mức giá căn cứ theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT – BGTVT, phương án này có tính khả thi về tài chính và không cần sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Quy mô cao tốc hạn chế cũng phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực; tương tự quy mô phân kỳ đầu tư của các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Nếu đầu tư theo quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, Dự án sẽ tốn khoảng 5.300 tỷ đồng. Để đảm bảo tính khả thi tài chính theo hình thức BOT, Nhà nước sẽ phải hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn như hiện nay, việc bố trí 1.000 tỷ đồng hỗ trợ cho Dự án là không khả thi.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3950/BGTVT-QĐ ngày 17/12/2007, Dự án đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An, khi xây dựng xong cùng với đoạn tuyến N2 là trục đường chính nối các tỉnh khu vực Tây Nam với các tỉnh Miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và phía Bắc đồng thời nối liền các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Tây Nam Bộ. Dự án được thực hiện từ quý 4 năm 2009, nhưng đến năm 2011 phải dừng giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ, theo đó Dự án chỉ tiếp tục thi công 3 gói thầu (gói 1. 2, 42) để nối thông tuyến 10 km từ QL14 đến QL13 thuộc tỉnh Bình Phước, các gói thầu còn lại tạm dừng triển khai thi công.
Thực hiện Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc Hội về việc sử dụng nguồn vốn TPCP còn dư của Dự án nâng cấp QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các gói thầu số 45,46,47 thuộc Dự án tiếp tục được đầu tư, khởi công tháng 10/2016 dự kiến hoàn thành vào quý 2 năm 2018, trong đó có nút giao cầu vượt liên thông giữa đường Hồ Chí Minh với QL22 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Phần còn lại của Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT tại Văn bản số 872/TTg-KTN ngày 19/6/2015. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã trình Bộ GTVT phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa theo hình thức BOT, trong đó đề xuất hình thức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt (thu phí hở).
Tuy nhiên, hình thức thu giá dịch vụ như trên có hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng tương đối (người dân ở gần trạm thu giá đi quãng đường ngắn nhưng vẫn phải trả phí trong khi đó những người đi quãng đường dài 50 đến 60 km ở khoảng cách giữa hai trạm thu giá thì không phải trả phí) do vậy, Bộ GTVT đã có Thông báo số 348/TB-BGTVT ngày 07/9/2017 giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu triển khai Dự án với các phương án đầu tư đường cao tốc và áp dụng hình thức thu giá dịch vụ theo km để đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng.
Nguồn: http://baodautu.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện