Tuyến cao tốc Ninh Binh – Thanh Hóa được quy hoạch 6 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25 m, vận tốc 120 km/h nhưng giai đoạn trước mắt được phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế, rộng 17 m. (Ảnh minh họa) |
Là phân đoạn đầu dự kiến triển khai theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, Dự ánxây dựng đường cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 do Ban quản lý dự án Thăng Long chuẩn bị đầu tư có chiều dài khoảng 63,37 km đi qua 2 huyện, 1 thành phố của tỉnh Ninh Bình và 7 huyện của tỉnh Thanh Hóa.
Tuyến được quy hoạch 6 làn xe, chiều rộng nền đường 32,25 m, vận tốc 120 km/h nhưng giai đoạn trước mắt đơn vị tư vấn (Tổng công ty Tư vấn giao thông vận tải – TEDI) đề xuất phân kỳ đầu tư 4 làn xe hạn chế, rộng 17 m. Ngoài các cầu vượt sông, cầu vượt nút giao, Dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 còn xây dựng 2 hầm đường bộ với tổng chiều dài 940m là Tam Điệp và Thung Thi.
Ước tính, tổng mức đầu tư giai đoạn I Dự án là 13.788,4 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng công trình là 9.123,7 tỷ đồng; chi phí GPMB là 1.964,4 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án; tư vấn là 1.082 tỷ đồng; phần còn lại là dự phòng trượt giá và dự phòng khối lượng.
Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, lưu lượng xe quy đổi tại đoạn Ninh Bình – Quốc lộ 45 có thể đạt 20.876 PCU/ngày đêm vào năm 2020 và 40.258 PCU/ngày đêm vào năm 2030.
Tại Dự án cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, Ban quản lý dự án Thăng Long đề nghị phần vốn tham gia của Nhà nước là 5.005 tỷ đồng, phần còn lại do Nhà đầu tư tự huy động bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại. Tại Dự án này, phần vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư là 1.876 tỷ đồng, tương đương 20% tổng nguồn vốn đầu tư BOT, bao gồm cả lãi vay.
Với mức giá khởi điểm 1.500 đồng/PCU/km; lộ trình tăng giá 12%/3 năm, Dự án có thể hoàn vốn trong thời gian 18 năm.
Cần phải nói thêm rằng, mức lãi suất vốn vay trong thời gian xây dựng và khai thác của Dự án tạm xác định là 7,86%/năm; lợi nhuận kỳ vọng vốn chủ sở hữu là 11,77%/năm.
Theo đề xuất của Ban quản lý dự án, tiến độ và thời gian thực hiện Dự án như sau: duyệt báo cáo Nghiên cứu khả thi trong quý II/2018; thiết kế kỹ thuật từ quý III/2018 – quý III/2019; công tác GPMB từ quý IV/2018 – quý II/2021; lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy đăng ký chứng nhận nhà đầu tư, ký kết hợp đồng và khởi công từ quý IV/2018 đến quý III/2021. Thời gian xây dựng trên thực địa 2 tuyến cao tốc này vào khoảng 30 tháng, bắt đầu tư ngày khởi công.
Nguồn: http://baodautu.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện