Xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam sẽ nối liền TX.Cửa Lò (Nghệ An) với huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). |
Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư xây dựng công trình cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Văn bản do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký cho biết, Bộ GTVT đã làm việc với UBND hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và thống nhất lựa chọn hình thức đầu tư công và phương án kết cấu phần cầu chính của dự án cầu Cửa Hội là cầu Extradosed (kết hợp giữa cầu dây văng và cầu đúc hẫng).
Theo Thứ trưởng Thọ, việc đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội theo hình thức BOT gặp khó khăn do phải bố trí trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trong điều kiện đã có trạm thu giá dịch vụ tại cầu Bến Thủy trên QL1, ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của người dân khi có nhu cầu lưu thông qua sông Lam, khó được nhân dân địa phương đồng thuận.
Trước đây, việc thu giá thực hiện cho tất cả các đối tượng, tuy nhiên thời gian vừa qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo công bằng hơn cho người dân xung quanh trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đi lại nhiều lần, Bộ GTVT đã phối hợp với địa phương, các nhà đầu tư BOT miễn, giảm giá cho vùng lân cận.
Mặt khác, khi tuyến đường ven biển chưa được nối thông, các phương tiện lưu thông qua cầu Cửa Hội chủ yếu là dân cư trong khu vực lân cận sẽ được miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ nên làm giảm khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư dẫn đến dự án BOT không hiệu quả tài chính và mức độ quan tâm của các nhà đầu tư cho dự án cũng giảm. “Do vậy, Bộ GTVT và hai tỉnh thống nhất lựa chọn hình thức đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công”, Văn bản nêu rõ.
Về phương án kết cấu cầu chính, Bộ GTVT và UBND hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thống nhất lựa chọn phương án xây dựng cầu chính là cầu Extradosed (kết hợp giữa cầu dây văng và cầu đúc hẫng) đáp ứng được yêu cầu tạo điểm nhấn kiến trúc cho khu vực, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với phạm vi nguồn vốn Nhà nước đã cân đối, bố trí.
“Phương án xây dựng cầu chính là cầu Extradosed và đầu tư theo hình thức đầu tư công sẽ triển khai nhanh hơn so với phương án triển khai theo hình thức BOT khoảng một năm do không phải thực hiện bước lựa chọn nhà đầu tư. Để sớm triển khai dự án, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội từ hình thức BOT sang hình thức đầu tư công”, Văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.
Trước đó, ngày 10/8/2017, Bộ GTVT đã phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội theo hình thức BOT và công bố danh mục dự án tại Quyết định 2357 ngày 10/8/2017. Phương án xây dựng cầu chính cầu Cửa Hội đã được Bộ GTVT làm việc, thống nhất với UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là cầu dây văng, bề rộng cầu 16m. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 1.669,03 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án là 950 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động là 719,03 tỷ đồng.
Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn đã đưa ra các phương án xây dựng phần cầu chính của cầu Cửa Hội để xem xét, so sánh; trong đó, hai phương án được Bộ GTVT cân nhắc, lựa chọn, gồm: Thứ nhất, xây dựng cầu chính là cầu dây văng, bề rộng cầu 16m, tổng mức đầu tư khoảng 1.505,72 tỷ đồng, gồm: Phần vốn nhà đầu tư huy động 555,72 tỷ đồng và thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, đây là phương án phù hợp với đề xuất dự án được duyệt.
Thứ hai, xây dựng cầu chính là cầu Extradosed, bề rộng cầu 16m, tổng mức đầu tư khoảng 950 tỷ đồng, chỉ thực hiện trong phạm vi phần vốn Nhà nước đã cân đối, bố trí cho dự án nên không phải huy động vốn của nhà đầu tư và kiến nghị thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện