Theo quy hoạch 2 tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành sẽ kết nối thông qua tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. |
Bộ Giao thông - Vận tải vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nghiên cứu và huy động nguồn vốn hợp pháp để đầu tư Dự án xây dựng đoạn từ nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Đây là dự án kết nối giữa 2 tuyến đường VEC đang đầu tư, vận hành khai thác nên sẽ rất thuận lợi trong việc quản lý, đầu tư, vận hành khai thác về sau, đặc biệt là phát huy hiệu quả 2 dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành.
Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn nối từ nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có điểm đầu tại nút giao đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, điểm cuối tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, tổng chiều dài toàn tuyến là 13 km. Tuyến được xây dựng theo quy mô tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe với bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế là 80 km/h, tổ chức giao cắt khác mức với đường ngang.
Được biết, tổng vốn đầu tư dự kiến của Dự án là 2.977 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu đáp ứng tối thiểu là 447 tỷ đồng, vốn vay là 2.530 tỷ đồng) với thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2021.
Để hoàn vốn, nhà đầu tư được thu giá dịch vụ theo hình thức thu kín, mức thu dự kiến là 1.500 đồng/Pcu/km (bắt đầu thu năm 2021), điều chỉnh 3 năm một lần với mức là 12%; thời gian hoàn vốn là 19 năm.
VEC quản lý vận hành 415 km tuyến đường cao tốc (gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây). Tổng doanh thu thu giá các tuyến đường cao tốc của VEC từ khi khai thác đến nay đạt 6.811 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông Nguyễn Ngọc Đông, cân đối doanh thu, chi phí cho thấy doanh thu hoạt động tài chính lũy kế đến thời điểm tháng 8/2017 là 2.248 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến năm 2025, dự báo cân đối nguồn thu sau khi trừ đi các chi phí trả nợ theo các Hiệp định và khoản phải chi theo quy định, doanh thu hoạt động tài chính từ các dự án dư tối thiểu là 271 tỷ đồng, tối đa là 1.721 tỷ đồng.
Hiện nay, toàn bộ dòng tiền hoạt động kinh doanh các dự án còn dư VEC đang chỉ gửi ngân hàng với lãi suất có kỳ hạn trung bình là 2,5%/năm và thực tế khoản dư này được sử dụng chưa hiệu quả.
“Theo đánh giá, thời điểm hiện tại, doanh thu hoạt động tài chính từ các dự án của VEC đảm bảo được khả năng trả nợ các khoản VEC đã huy động để đầu tư cho các dự án theo cơ cấu nguồn vốn đầu tư tại Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Nguồn: http://baodautu.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện