Đề xuất sớm đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng bằng vốn vay ADB

Thứ tư - 06/09/2017 13:00. Xem: 73
Việc ký hiệp định vay vốn cho tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư đang phụ thuộc vào tiến độ báo cáo Chính phủ kết quả thẩm định phương án tài chính Dự án từ phía Bộ Tài chính.

 

 

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Công vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính sớm xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định phương án tài chính của Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Được biết, Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là hai cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng cơ chế tài chính trong nước cụ thế với nguồn vốn vay ADB và thẩm định phương án tài chính của phân đoạn cuối cùng của tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn.

Trước đó, sau một thời gian thực hiện, VDB đã hoàn tất quá trình thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay của Dự án và gửi kết quả quan trọng này tới Bộ Tài chính từ 24/8/2017.

Như vậy, tính đến cuối tháng 8/2017, toàn bộ các thủ tục chuẩn bị Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn Cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng đã cơ bản hoàn tất theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tại văn bản số 7751/VPCP-QHQT ngày 25/7/2017.

Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, Dự án hiện chỉ còn đợi Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ  phương án tài chính của Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng để tiến hành bắt tay đàm phán vay vốn với Ngân hàng Phát triển châu Á  (ADB).

Tiến độ gấp

Cần phải nói thêm rằng, theo lịch trình được Chính phủ phê duyệt, Dự án sẽ tiến hành đàm phán Hiệp định vay vào tháng 10/2017, Ban lãnh đạo ADB phê duyệt vào tháng 12/2017 và hoàn thành ký kết Hiệp định vay vốn vào tháng 3/2018.

Về kế hoạch triển khai Dự án, Bộ Giao thông - Vận tải đã đặt ra mục tiêu tiến hành công tác chi trả giải phóng mặt bằng và tái định cư vào năm 2018. Gói thầu xây lắp đầu tiên được khởi công vào đầu năm 2019.

Các mốc tiến độ gấp gáp nêu trên chỉ có thể đạt được nếu công tác thẩm định phương án tài chính Dự án đang nằm tại Bộ Tài chính được khơi thông sớm.

“Việc chưa thẩm định phương án tài chính của Dự án để xử lý các thủ tục đàm phán và ký Hiệp định vay với ADB sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công trình”, Thứ trưởng Công cho biết.

Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là một trong số công trình hạ tầng nhận được sự quan tâm cao của ADB, đồng thời đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đoàn Công tác Chương trình Quốc gia ADB giai đoạn 2016 – 2020 đưa vào danh mục bố trí vốn năm 2017.

Phương án đầu tư tối ưu

Theo kết quả thẩm định của VDB, với phương án tài chính do VEC kiến nghị lựa chọn, Dự án có tính khả thi về mặt tài chính thể hiện qua các chỉ tiêu về tài chính quan trọng nhất đều khá tích cực như: giá trị hiện tại thuần (NPV) dương và chỉ số nội hoàn tài chính (IRR) lớn hơn lãi suất chiết khấu (r)…

Đồng quan điểm đánh giá với VDB, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, phương án tài chính của Dự án đã tính toán cơ bản phù hợp với thực tế các dự án đang triển khai của VEC và đảm bảo dòng tiền của công trình được sử dụng triệt để, nâng cao hiệu quả sử dụng dòng tiền thông qua việc tính lãi gửi tiết kiệm của dòng tiền dương.

Trước đó, trên cơ sở cập nhật lại một số thông số đầu vào theo yêu cầu của Bộ Tài chính, VEC đã tính toán lại phương án tài chính Dự án và đã có văn bản gửi VDB để xem xét, thẩm định.. Phương án đầu tư này có tính khả thi cao nhất giúp Dự án có chi phí đầu tư hợp lý do có chi phí vốn thấp; đồng thời đảm bảo đưa công trình vào khai thác sớm.

Được biết, theo cam kết của ADB, nhà tài trợ sẽ hỗ trợ phần lớn chi phí xây dựng Dự án gồm  347,65 triệu USD vay từ nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp, áp dụng cơ chế cho vay lại; 28,868 triệu USD vốn vay ưu đãi (ADF) sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng do ngân sách cấp phát. Ngân sách nhà nước sẽ cấp phát tiếp khoản kinh phí trị giá 0,521 triệu USD trong 2,295 triệu USD vốn đối ứng cho hạng mục rà phá bom mìn, phần còn lại (1,773 triệu USD) là phí vay lại của khoản vay OCR do VEC tự thu xếp.

Việc sử dụng nguồn vốn vay ADB để đầu tư luôn được Chính phủ khẳng định xuyên suốt từ đầu, trong đó, vai trò Chủ đầu tư dự án của VEC cũng được xác lập và khẳng định rõ trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, trong giai đoạn hiện nay, nguồn vốn vay tín dụng trong nước chủ yếu là vốn vay ngắn hạn và trung hạn, đồng thời các ngân hàng trong nước trong thời gian qua đã cho các nhà đầu tư vay dài hạn nhiều dự án BOT ngành giao thông - vận tải nên khả năng cho vay đầu tư tiếp các tuyến cao tốc sẽ không còn nhiều và rất khó khăn.

Bên cạnh đó, nếu không tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Dự án rất dễ phát sinh nguy cơ tiêu cực, xuất hiện lợi ích nhóm như đã diễn ra tại một số dự án BOT nhưng nếu đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí không tìm được nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu về năng lực tài chính, kinh nghiệm.

“Vào thời điểm này, việc đặt vấn đề thay đổi hình thức đầu tư sẽ khiến Dự án đứng trước nguy cơ lỡ cơ hội tiếp cận nguồn vốn có chi phí thấp từ ADB và không thể đưa công trình vào khai thác sớm”, một chuyên gia nhận định.

Mặt khác, nếu cho đơn vị khác thực hiện sẽ dẫn đến sự lãng phí nguồn kinh phí đã bỏ ra để chuẩn bị dự án (bao gồm khoảng 15 tỷ đồng cho công tác lập dự án đầu tư và khoảng hơn 90 tỷ đồng cho công tác thiết kế kỹ thuật vay vốn ADB) và xóa bỏ các nỗ lực chuẩn bị đầu tư dự án trước đó của phía Việt Nam và Nhà tài trợ ADB khi các bên liên quan đặc biệt là Nhà tài trợ ADB đã cử nhiều Đoàn công tác khảo sát, nghiên cứu và đánh giá Dự án khả thi về mặt tài chính để thực hiện. Việc này phá vỡ  các cam kết với nhà tài trợ ADB và làm ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ với các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB, JICA,…

Theo các chuyên gia, VEC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, việc VEC tham gia thực hiện dự án có nhiều lợi thế, trường hợp có lợi ích thì lợi ích sẽ được chuyển toàn bộ cho NSNN theo quy định hiện hành. Đây là doanh nghiệp được lập ra với mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế xã hội cao hơn mục tiêu lợi nhuận nên tổng mức đầu tư thấp, lợi ích dành cho xã hội cao hơn và kết quả là chi phí do người dân bỏ ra khi sử dụng dịch vụ hợp lý.

Nguồn: http://baodautu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây