Ông Vũ Duy Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống |
Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2016 - 2030, Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống.
Trong số này có 10 cầu qua sông Hồng gồm: cầu Việt Trì - Ba Vì, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy (giai đoan 2), cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở, cầu Phú Xuyên.
Bên cạnh đó là 4 cầu qua sông Đuống gồm: cầu Đuống 2, cầu Ngọc Thụy, cầu Giang Biên và cầu Mai Lâm.
Hiện nay, Thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện 5 cầu gồm Dự án cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng vốn 17.000 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Dự án xây dựng cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh có tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng có tổng vốn khoảng 7.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT, dự kiến hoàn thành năm 2019.
Dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu có tổng vốn hơn 6.000 tỷ đồng theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Dự án cầu Vĩnh tuy (giai đoạn 2) có tổng vốn đầu tư gần 2.500 tỷ đồng theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT, dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành.
Tại buổi giao ban, vấn đề được nhiều người quan tâm là việc giải phóng mặt bằng và quá trình đầu tư xây dựng.
Về vấn đề này, ông Vũ Duy Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết: "Thành phố đã rà soát chuẩn bị mặt bằng đảm bảo tiến độ các dự án. Về quy trình lựa chọn nhà thầu được tuân thủ nghiêm ngặt trên các nguyên tắc của pháp luật và Luật Xây dựng, từ xây dựng dự án, cơ chế thực hiện dự án, đến xác định tính khả thi...".
Vị đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, với hàng loạt các dự án cầu đã, đang chuẩn bị triển khai xây dựng, Hà Nội hướng đến mục tiêu kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông trên toàn Thành phố, góp phần cải thiện và thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, đồng thời thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Nguồn: http://baodautu.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện