Đường Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP.HCM) nằm trên trục Bắc - Nam
|
Ngày 24/8, Sở KH&ĐT TP HCM, Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM tổ chức hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia thực hiện 7 chương trình đột phá của TP. Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản thỏa thuận cho vay vốn của 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư với tổng mức đầu tư dự kiến 26.000 tỷ đồng.
Cụ thể, là các dự án xây dựng đường trục Bắc - Nam (vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng), xây dựng đường Nguyễn Tất Thành (4.669 tỷ đồng), đường song hành phía Nam cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến vành đai 2, vốn đầu tư 869 tỷ đồng). Xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao quận 2 (226 tỷ đồng), xây dựng Khu dịch vụ số 1 - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (800 tỷ đồng), xây dựng Bệnh viện Tân Phú (973 tỷ đồng), đầu tư, nâng cấp và vận hành các trạm y tế phường tại quận 3 (100 tỷ đồng), xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 (99 tỷ đồng).
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP đã và đang huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư 7 chương trình đột phá, đến nay đã có 647 dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư với số vốn huy động là 41.000 tỷ đồng; chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp đã kết nối cho 36.000 doanh nghiệp với vốn vay 680.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố cũng xã hội hoá nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đến nay có 153 dự án PPP triển khai với tổng mức đầu tư 451.000 tỷ đồng, trong đó 23 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 71.000 tỷ đồng, 130 dự án đang thực hiện với tổng mức đầu tư 380.000 tỷ đồng.
Mặc dù số lượng các dự án thực hiện theo hình thức PPP của TP không lớn, chỉ chiếm 5% số dự án đầu tư công nhưng nguồn vốn lại gấp 51 lần so với nguồn lực đầu tư công của TP giai đoạn 2011 - 2015. Hiện nay, nhu cầu đầu tư 7 chương trình đột phá của TP giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 850.000 tỷ đồng; Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, ngập nước chiếm 60%. Tuy nhiên, ngân sách TP chỉ mới đáp ứng được 20% tổng vốn đầu tư. Đây là thách thức lớn đối với TP trong thời gian tới.
Với việc 8 dự án được ngân hàng cam kết vốn vay 26.000 tỷ đồng sẽ là điểm nhấn giải quyết bài toán thiếu vốn đầu tư hạ tầng trong điều kiện áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn, đồng thời tạo sức lan toả, tạo động lực thúc đẩy, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tiềm năng quyết định lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện