Thứ trưởng Nguyễn Nhật và đoàn công tác Bộ GTVT kiểm tra thực địa Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi |
Ngày 24/8, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cùng đoàn công tác Bộ GTVT đã đi kiểm tra dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (gọi tắt là Dự án). Làm việc với Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án Cửu Long (TCT Cửu Long), UBND tỉnh Kiên Giang, các nhà thầu, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị phải tính toán, rà soát, đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2018.
Phải đẩy nhanh tiến độ dự án
Đánh giá về dự án, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng, thời gian qua việc triển khai dự án là rất chậm so với tiến độ. Nguyên nhân là do công tác GPMB chậm do thiếu nguồn vốn. Mặc dù tỉnh Kiên Giang đã cho mượn 56 tỷ đồng để GPMB nhưng hiện vẫn còn thiếu gần 200 tỷ trong khi công tác GPMB đang rất gấp rút. Một nguyên nhân nữa gây chậm dự án là do có thay đổi quy mô đường từ 2 làn xe lên 4 làn xe. Tuy nhiên, nguyên nhân bức xúc nhất hiện nay là thiếu cát thi công vì ngay thời điểm giá cát lên cao và khan hiếm nguồn cát. “Liên quan đến vấn đề cát thi công, Bộ GTVT trực tiếp làm việc với các địa phương như: Đồng tháp, An Giang, Bến Tre để có nguồn cát đảm bảo cho dự án thi công”, Thứ trưởng Nhật nói.
Ông Nguyễn Ngọc Toan, Phó TGĐ TCT Cửu Long báo cáo tiến độ dự án |
Liên quan đến tiến độ Dự án, Thứ trưởng Nhật yêu cầu TCT Cửu Long, các nhà thầu thi công phải yêu cầu nhà thầu giao tư vấn lập lại tiến độ xây dựng dự án và phải có báo cáo trước ngày 10/9.
“Đến ngày 15/9 địa phương phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho Dự án. Phải rà soát xem xét lại toàn bộ hồ sơ GPMB, tính toán cho người dân theo đúng quy định. Cần giải thích, thuyết phục để người dân đồng thuận. TCT Cửu Long phải sớm ký hợp đồng với các nhà thầu phụ; các nhà thầu thi công cần đẩy nhanh tiến độ để đến cuối năm 2018 phải xong Dự án”, Thứ trưởng Nhật yêu cầu.
Gặp khó khăn vì thiếu cát nền
Báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Nhật, ông Nguyễn Ngọc Toan, Phó TGĐ TCT Cửu Long cho biết, về công tác công tác giải phóng mặt (GPMB), tổng vốn bố trí là hơn 1.146 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới bố trí được hơn 947 tỷ đồng. Nhu cầu vốn còn thiếu để bố trí cho công tác GPMB hơn 199 tỷ đồng bao gồm cả kinh phí trả nợ tỉnh Kiên Giang 56 tỷ đồng cho mượn từ năm 2016 và đầu năm 2017.
Dự án gồm hai gói thầu CW1 thuộc địa bàn TP Cần Thơ và CW2 thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang. Đối với gói CW1. Đã bàn giao 23,6/24,17km, đạt 97%. Hiện, còn vướng mặt bằng cục bộ tại một số ví trí chưa thể thi công được. Đối với gói thầu CW2, đã bàn giao 26/27km, đạt khoảng 96%. Trong đó, chưa bào gồm tuyến nối Tân Hiệp – QL80 và nút giao đường tỉnh 963 hiện đang cắm cọc GPMB giao cho địa phương đo vẽ kiểm đếm. Hiện mặt bằng còn vướng tại vị trí cầu Kinh 10 với 4 hộ dân với chiếu dài khoảng 1km. Ngoài ra, còn vướng một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời được như: điện cao thế, viễn thông, cấp nước...
Dự án đang thi công nhưng thiếu cát nghiêm trọng |
Đối với công tác triển khai dự án, gói thầu CW1 (do Liên danh các nhà thầu Lote – Halla - Hansin thi công) tính đến ngày 21/8 mới đạt khoảng 17,73%; Gói thầu CW2 (do liên danh Kumho – Huyndai thi công) cũng chỉ mới đạt 19,62%. Cả hai gói thầu đều chậm so với tiến độ khoảng 14%.
Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có điểm đầu tại Km 02+104.11, tiếp nối với dự án cầu Vàm Cống (Q. Thốt Nốt, TP Cần Thơ), điểm cuối tại Km 53+279 nối vào tuyến tránh Rạch Giá (Châu Thành, Kiên Giang) với tổng chiều dài hơn 50km, quy mô ban đầu là 2 làn đường, nền đường rộng 12m. Tuy nhiên, ngày 15/3/2017, Thủ tướng chính phủ đã có văn bản số 383/TTg-CN đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh quy mô dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi từ 2 làn xe Bn/Bm= 12/11m thành 4 làn xe Bn/Bm=17/15,5m. Tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 6.355 tỷ đồng, được sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc 200 triệu USD và 1.860 tỷ đồng là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án được khởi công xây dựng tháng 1/2016 với thời gian thực hiện dự kiến là 30 tháng. . |
Về công tác GPMB, ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị Ban giải phóng mặt bằng của Sở GTVT phải rà soát lại những đề xuất của người dân, trình ra Hội đồng GPMB và phải làm sớm. “Ngay trong tuần sau phải tiến hành làm nhanh và đề xuất từng trường hợp xử lý đối với từng hộ. Mặt khác, phải hoàn chỉnh các hồ sơ nếu có cưỡng chế thì hồ sơ phải đầy đủ, có thể thực hiện ngay khi người dân không chịu di dời”, Ông Mai Anh nhịn nói.
Về vấn đề cát, ông Mai Anh Nhịn cho biết, UBND tỉnh An Giang sẽ có văn bản gửi cho các địa phương hỗ trợ nguồn cung cấp. Nguyên nhân là do khó khăn về nguồn vốn bố trí cho công tác GPMB và công tác triển khai của địa phương cũng còn chậm trễ. Mặt khác, công tác hoàn thiện hồ sơ di dời đường điện cao thế 22kv, 110kv TCT Cửu Long đã đôn đốc nhưng Cần Thơ và Kiên Giang vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ chuyển cho Dự án. Một khó khăn lớn nữa là nguồn cát để thi công nền đường không có vì vậy từ tháng 3/2017 đến nay công tác thi công nền đường và xử lý đất yếu gần như dừng lại, không có cát thi công nên một số vị trí cầu cống không thể đưa thiết bị vào thi công phần móng cọc được làm cho tiến độ của dự án bị chậm.
“TCT Cửu Long đã làm việc với An Giang, Cần Thơ để nghị cung cấp cát nhưng không có. Riêng chỉ Đồng Tháp thống nhất hỗ trợ 2 triệu m3 cát. Tuy nhiên, hạn mức trong năm 2017 chỉ có 500 ngàn m3 nên không đủ cho khối lượng thi công. Để đảm bảo tiến độ, từ đây đến cuối năm 2017 Dự án cần khoảng 900 ngàn m3 cát”. Ông Toan nói.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật kiểm tra dự án xây dựng cầu Vàm Cống |
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Nhật và đoàn công tác của Bộ GTVT đã đến kiểm tra tại hai dự án xây dựng cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống. Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu các nhà thầu thi công phải đảm bảo đúng tiến độ nhưng tuyệt đối an toàn, đảm bảo chất lượng trong quá trình thi công.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện