Vì sao BOT tránh TP Thanh Hóa giảm hơn 20 năm thu phí?

Chủ nhật - 21/05/2017 13:00. Xem: 66
Bộ GTVT điều chỉnh hợp đồng dự án BOT QL1 đường tránh TP.Thanh Hóa với thời gian thu phí thực tế là 10 năm 5 tháng, giảm 20 năm 3 tháng so với dự kiến ban đầu 30 năm 8 tháng.      

 

17

Sau quyết toán, Dự án đường tránh TP Thanh Hóa có thời gian thu phí thực tế là 10 năm 5 tháng

Dự án hình thành thế nào?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, năm 2004, nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải, giảm thiểu tình trạng ùn tắc và TNGT, đồng thời phục vụ phát triển KT-XH khu vực Bắc Trung bộ nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản 265/CP-CN ngày 26/2/2004 và Văn bản 1545/CP-CN ngày 18/10/2004 đồng ý về chủ trương đầu tư dự án xây dựng QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa theo hình thức BOT.

"Để có được sự minh bạch nêu trên, ngoài những yếu tố khách quan, trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành khai thác, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là Tổng cục Đường bộ VN - cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn khai thác, quản lý chặt chẽ tổng vốn đầu tư, lưu lượng, doanh thu thu phí, lãi suất vốn vay, đảm bảo tính đúng, tính đủ, không thất thoát, qua đó đã xác định lại thời gian thu phí thực tế của dự án BOT đường tránh TP Thanh Hóa khoảng 10 năm 5 tháng và đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử ppp.mt.gov.vn”.

Phó vụ trưởng Vụ PPP
Nguyễn Viết Huy

Trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3/11/2004, Bộ GTVT ban hành Quyết định 3314/QĐ-BGTVT phê duyệt dự án với chiều dài 10,04km, tổng mức đầu tư 443,9 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền đã thống nhất sử dụng Trạm thu phí Tào Xuyên (Km318, QL1, trước đây sử dụng thu phí nộp ngân sách Nhà nước) để thu phí hoàn vốn cho dự án, không phải lập thêm trạm thu phí mới. Đến ngày 11/3/2005, Bộ GTVT và Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa (nhà đầu tư) ký hợp đồng BOT số 637/GTVT và chính thức khởi công dự án ngày 25/4/2005.

Theo ông Huy, trong khoảng thời gian từ 2006-2009, do khủng hoảng tài chính nên đơn giá nhân công, nguyên vật liệu và chi phí GPMB, lãi suất có nhiều biến động. Tháng 10/2008, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 2988 điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường tránh TP Thanh Hóa từ 443,9 tỷ đồng lên 822,2 tỷ đồng và ký hợp đồng BOT số 38/CĐBVN-HĐ ngày 20/10/2008 với nhà đầu tư, xác định thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là 30 năm 8 tháng.

“Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, dự án chính thức được Bộ GTVT cho phép thu phí hoàn vốn tại trạm Tào Xuyên kể từ ngày 1/1/2009. Đến năm 2012, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa, ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, Bộ GTVT đã cho phép nhà đầu tư di dời Trạm thu phí Tào Xuyên về Km 286+397, QL1 (thuộc địa phận TX Bỉm Sơn) để thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh TP Thanh Hóa kể từ ngày 1/10/2012”, ông Huy nói thêm.

 
 

Lưu lượng tăng cao, lãi suất giảm mạnh

Từ năm 2016 đến nay, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án BOT, BT đã hoàn thành, nhằm công khai, minh bạch thông tin, số liệu để người dân và xã hội chia sẻ và hiểu rõ về các dự án BOT giao thông.

“Đối với dự án BOT đường tránh TP Thanh Hóa, trên cơ sở quyết toán chi phí đầu tư xây dựng được Bộ GTVT chấp thuận 786,5 tỷ đồng (bao gồm cả bổ sung hạng mục di dời trạm thu phí với kinh phí 67 tỷ đồng), Tổng cục Đường bộ VN và nhà đầu tư đã thống nhất tính toán lại phương án tài chính và ký Phụ lục hợp đồng số 07/HĐ.BOT-TCĐBVN ngày 1/3/2017 với thời gian thu phí là 10 năm 5 tháng, điều chỉnh giảm 20 năm 3 tháng so với dự kiến ban đầu”, ông Huy nói.

Lý giải thời gian thu phí thực tế của dự án giảm hơn 20 năm so với dự kiến, ông Huy chỉ rõ do 3 nguyên nhân chính gồm: Lưu lượng xe qua trạm những năm vừa qua có mức tăng đột biến (nhất là những năm gần đây tăng đến 150%); Tổng mức đầu tư dự án giảm khoảng 12,5%; Đặc biệt, lãi suất vốn vay, trước đây dự kiến trong hợp đồng khoảng 16,7%/năm, tuy nhiên do tác động của những chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô nên lãi suất vốn vay đã giảm nhiều so với dự kiến (khoảng 11%/năm trong những năm gần đây).

“Ngoài ra, trong hợp đồng ban đầu dự kiến phân lưu cho tuyến cao tốc Bắc - Nam từ năm 2016, tuy nhiên thực tế đến nay tuyến cao tốc vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Đây cũng là một nguyên nhân kéo giảm thời thu phí thực tế của dự án so với dự kiến”, ông Huy chia sẻ.

Chiều 21/5, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Công ty CP BOT đường tránh Thanh Hóa cho biết, Bộ GTVT điều chỉnh hợp đồng, xác định thời gian thu phí thực tế của dự án sau khi quyết toán còn 10 năm 5 tháng là hoàn toàn chính xác và phù hợp. “Các số liệu để xác định thời gian thu phí của dự án đều được cập nhật từ thực tế, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật”, ông Nam nói.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây