Gần 40 ngàn tỷ cho tuyến metro số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình

Thứ tư - 17/05/2017 13:00. Xem: 69
Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (dài 5,9 km, tổng mức đầu tư khoảng 34.734 tỷ đồng) nhiều khả năng sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản.  

 Tuyến huyết mạch

Phiếu thuận đầu tiên cho đề xuất Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình của UBND TP. Hà Nội xuất phát từ Bộ Giao thông - Vận tải.

Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải vừa có văn bản thống nhất với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội về tính cần thiết và sự phù hợp của Dự án đối với quy hoạch giao thông vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như nhu cầu giao thông tại khu vực Thanh Xuân, Hà Đông đang tăng trưởng nóng.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đang xây dựng. Ảnh: Đức Thanh
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đang xây dựng. Ảnh: Đức Thanh

“Dự án sẽ góp phần làm giảm tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông và ô nhiễm không khí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết nhu cầu vận chuyển hành khách công cộng của TP. Hà Nội”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhận xét.

Mặc dù đồng thuận về chủ trương, nhưng Bộ Giao thông - Vận tải cũng chỉ ra một loạt hạt sạn trong đề xuất đầu tư tuyến metro Trần Hưng Đạo - Thượng Đình đang xin ý kiến thẩm định của các bộ, ngành liên quan.

Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị UBND TP. Hà Nội cần cập nhật tiến độ hoàn thành của các dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội đang triển khai và hệ thống các phương tiện giao thông công cộng khác để xác định khả năng kết nối với dự án này khi hoàn thành đưa vào khai thác (dự kiến hoàn thành vào năm 2025) mà trong đề xuất chưa phân tích.

Rút kinh nghiệm về quá trình triển khai các dự án xây dựng đường sắt đô thị ở TP. Hà Nội và TP.HCM thường phát sinh các khó khăn vướng mắc, khiến dự án bị kéo dài thời gian và tăng tổng mức đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị UBND TP. Hà Nội cần nghiên cứu, phân tích và đánh giá những khó khăn, bất cập, cơ chế huy động vốn trong quá trình triển khai để đảm bảo tính khả thi về thời gian thực hiện dự án.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2017, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, lựa chọn đề xuất Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình được sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản.

Hà Nội cũng muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Đề xuất dự án để Thành phố có cơ sở thực hiện thủ tục trình phê duyệt lại chủ trương đầu tư dự án theo Luật Đầu tư công.

Được biết, dự án metro này là một phần quan trọng của tuyến đường sắt đô thị số 2 Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình - vành đai 2,5 - Hoàng Quốc Việt, dài 42 km.

Tuyến số 2 được coi là tuyến metro xương sống của Hà Nội. Đây là tuyến đường sắt đô thị cần được ưu tiên đầu tư, trong đó ưu tiên đoạn đi qua trung tâm Hà Nội từ khu vực Nam Thăng Long (Bắc Từ Liêm) đến Thượng Đình (Thanh Xuân).

Khảo sát của Hà Nội cho thấy, sau khi hoàn thành, tuyến số 2 sẽ kết nối các khu vực tập trung dân cư lớn của Hà Hội là khu vực đô thị Bắc sông Hồng kết nối với Sân bay Quốc tế Nội Bài, khu đô thị cổ, mới phía Nam sông Hồng đến Thượng Đình, với dự kiến lưu lượng khách là 714.000 lượt khách/ngày vào năm 2020 và 1,7 triệu lượt khách/ngày vào năm 2040.

Chọn công nghệ Nhật Bản

Theo đề xuất của UBND TP. Hà Nội, tuyến metro dự kiến thực hiện từ năm 2020 đến 2025 này có chiều dài 5,9 km, gồm 6 ga (đi ngầm toàn bộ), qua các quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, với điểm đầu trước ngã tư giao với đường Nguyễn Du - Lê Văn Hưu (điểm cuối của Dự án Xây dựng tuyến metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); điểm cuối tại Thượng Đình.

Tổng mức đầu tư Dự án mà UBND TP. Hà Nội dự kiến trong bước lập đề xuất đầu tư là 177,6 tỷ yên (tương đương 34.743 tỷ đồng), trong đó vốn vay ODA Nhật Bản là 146 tỷ yên cho các hạng mục xây dựng, thiết bị và tư vấn.

“Tổng mức đầu tư hiện đang được xây dựng theo tỷ giá 196 đồng/yên và sẽ được xác định chính xác sau khi dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ông Toản cho biết.

Hiện Hà Nội đang triển khai thực hiện Dự án Xây dựng tuyến metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo với nguồn vốn ODA Nhật Bản. Việc tiếp tục thực hiện đầu tư đoạn từ Trần Hưng Đạo tới Thượng Định theo quy hoạch sẽ kết nối các khu vực đô thị trung tâm, đồng thời sẽ kết nối 2 tuyến metro khác là Yên Viên - Ngọc Hồi (tuyến số 1) và Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3), tạo thành mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, hoàn chỉnh.

Đây cũng là một trong những lý do khiến UBND TP. Hà Nội chọn ODA Nhật Bản để đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình.

Theo ông Toản, Nhật Bản đang ưu tiên tài trợ cho các dự án metro tại Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, ngoài đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Nhật Bản còn đang tài trợ vốn ODA cho nghiên cứu, xây dựng Tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư.

“Việc đề xuất Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình sử dụng vốn ODA Nhật Bản là phù hợp với định hướng tài trợ cũng như cam kết trước đây của nước bạn về việc đầu tư xây dựng phân đoạn từ Nam Thăng Long về Thượng Định, đồng thời đảm bảo đồng bộ về kỹ thuật, công nghệ với Dự án tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang triển khai”, ông Toản cho biết.

Nguồn: http://baodautu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây