Tuy nhiên, trong khi lực lượng chức năng đang ngày một quá tải thì tốc độ phát triển hạ tầng lại khá chậm chạp, khiến tình trạng UTGT có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Phát sinh “điểm đen” mới
Theo thống kê của Sở GTVT, nửa đầu năm 2016, Hà Nội đã giảm được 10/44 “điểm đen” UTGT. Thế nhưng, song hành với đó lại phát sinh thêm 3 khu vực có nguy cơ hình thành “điểm đen” mới là: Trục đường Thái Hà - Chùa Bộc, đường Vành đai 1 (Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái), trục đường Yên Phụ - Thanh Niên, tuyến đê Nguyễn Khoái (đoạn nối cầu Vĩnh Tuy - cầu Chương Dương), Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng, nút giao thông Cổ Linh.... Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhận định: “Hạ tầng giao thông của Hà Nội đang đuối sức, hụt hơi trước tốc độ gia tăng dân số và phương tiện cá nhân quá mạnh mẽ”. Thực trạng hạ tầng giao thông vừa thiếu, vừa yếu là một trong những tồn tại cố hữu của Hà Nội. Để bù đắp nhược điểm đó, mỗi ngày TP phải tung ra một lực lượng nhân sự khổng lồ, bao gồm hàng nghìn CSGT, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, Thanh tra Sở GTVT… để điều tiết giao thông.
Ùn tắc giao thông trên đường Trần Duy Hưng vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Hùng
|
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: “Mỗi ngày có từ 600 - 700 chiến sĩ CSGT phải chốt trực liên tục, điều tiết giao thông từ 6 giờ 30 phút sáng đến 22 giờ đêm. Lãnh đạo Phòng cũng phải ra đường từ sáng sớm, trực tiếp chỉ đạo công tác phân làn, chống UTGT cùng cán bộ, chiến sĩ”. Thế nhưng, tất cả những cố gắng để điều tiết mạng lưới dày đặc trên một hệ thống hạ tầng chật chội, quá tải chỉ là giải pháp tình thế, hiệu quả mang lại còn xa mới được như mong đợi.
Mỗi ngày, trên những trục đường: Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Hữu Thọ, Giải Phóng…, tình trạng UTGT vẫn đều đặn diễn ra. Không chỉ có giờ cao điểm, tình trạng ùn ứ, mất trật tự, ATGT còn xuất hiện khắp nơi, trong bất cứ khung thời gian nào, nhất là những khi thời tiết xấu hoặc một số điểm nút thiếu bóng lực lượng chức năng. Việc phát sinh thêm 3 “điểm đen” UTGT là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Hà Nội đang dần đuối sức trong cuộc chiến chống UTGT. Và, chừng nào tốc độ phát triển hạ tầng giao thông còn “ì ạch” thì nguy cơ gia tăng trở lại các “điểm đen” UTGT vẫn hiện hữu, đe dọa phá hỏng những cố gắng bấy lâu nay của chính quyền TP. Các chuyên gia cho rằng, TP Hà Nội cần cân đối, bố trí nguồn vốn, tiến hành xây dựng nhanh chóng các công trình giao thông nhỏ như cầu vượt thép, cầu đi bộ… để nâng cao khả năng đáp ứng trước mắt, góp phần kéo giảm UTGT, nhất là cho khu vực nội đô.
Đẩy nhanh phát triển hạ tầng
Mở rộng đường sá, tận dụng mọi khoảng trống để xây dựng không gian giao thông là vấn đề cấp bách nhất hiện nay với Hà Nội. Thế nhưng, tiến độ thực hiện lại quá chậm chạp, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn bắt nguồn từ 2 vấn đề: Thiếu vốn và thiếu cơ chế linh hoạt. Chuyên gia Đặng Chí Nga nhận định: “Kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông không hề dễ dàng. Những công trình lớn như đường liên tỉnh, cao tốc hay bến xe, cảng hàng không…, xây dựng rồi được thu lợi nhuận thì được; kêu gọi vốn để xây dựng những công trình nhỏ, phục vụ dân sinh là chính thì rất khó”. Hiện, rất nhiều công trình giao thông lớn, có tầm ảnh hưởng quyết định đến sự kết nối giữa Thủ đô với cả nước, nhưng cũng có không ít công trình quy mô nhỏ, cần được xây dựng nhanh để ứng phó với tình trạng UTGT trước mắt. Trong đó, đa số là các cầu vượt nhẹ, cầu đi bộ, công trình phục vụ giao thông tĩnh… Ông Nga cho rằng, TP phải trích ngân sách dầu tư, có thể giao thầu, chỉ định thầu trực tiếp để tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đưa vào hoạt động, giảm tải phần nào cho khu vực nội đô TP.
Chuyên gia cầu đường Nguyễn Mạnh Thắng cũng khẳng định: “Đối với những công trình có tính cấp bách, cần thực hiện ngay, mức đầu tư không lớn, TP cần tự bố trí vốn hoàn thành. Chỉ những công trình có quy mô, tầm nhìn hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, có vai trò xương sống đối với cả mạng lưới giao thông, mức đầu tư lớn mới cần kêu gọi xã hội hóa”. Mặt khác, những công trình có mức đầu tư nhỏ, không có khả năng thu phí như cầu vượt nhẹ, cầu đi bộ, nếu đợi kêu gọi đầu tư, đấu thầu quyền xây dựng - khai thác là không hợp lý, khó thu hút nguồn vốn xã hội hóa. Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng một số cầu vượt thép qua các nút giao: Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy, Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái… Với lợi thế chi phí thấp, thời gian thi công nhanh, hiệu quả lưu thông cao, đây sẽ là những công trình rất quan trọng, cứu cánh cho những khu vực có mật độ giao thông lớn của TP.
Nguồn: kinhtedothi.vn