Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics vùng Tây Nam bộ giai đoạn trung hạn 2016-2020. |
Sáng 22/8, tại TP Cần Thơ, Bộ GTVT phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức buổi Hội nghị phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và logistics vùng Tây Nam bộ (TNB) giai đoạn trung hạn 2016-2020. Đến dự và chỉ đạo có Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ, cùng Thứ trưởng Bộ GTVTNguyễn Nhật và lãnh đạo nhiều Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đến nay hệ thống kết cầu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics khu vực TNB vẫn còn kém phát triển. Vấn đề liên kết vùng cũng chưa được chú trọng đầu tư các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng.
"Việc xây dựng Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics Vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2016 - 2020 nhằm cụ thể hóa các Chiến lược, Quy hoạch và lựa chọn được các dự án trọng điểm có tính kết nối vùng, liên vùng là rất cần thiết nhằm giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí trong bối cảnh vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp. Phải xem xét tập trung đầu tư những cái trọng điểm trước, muốn cạnh tranh thì phải phục vụ được tàu 3.000 tấn trở lên mới được", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong giai đoạn 5 năm từ 2010-2015, toàn vùng có khoảng 39 dự án công trình hạ tầng giao thông đường bộ quan trọng, cấp bách phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng đã được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư khoảng 60.374 tỷ đồng. Trong đó khoảng 1.036 km đường và 60,2 km cầu được đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng.
Một số dự án quan trọng sau khi được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt kinh tế của vùng như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, tuyến cao tốc HCM – Trung Lương, Cảng HKQT Phú Quốc; luồng vào sông Hậu,…
Hội nghị thu hút rất đông lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương về dự đóng góp ý kiến. |
Trong giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, Bộ GTVT đã lập quy hoạch phát triển toàn diện về đường bộ, đường thủy nội địa, cảng biển, hàng không. Bộ GTVT đặt ra mục tiêu hoàn thiện 5 tuyến: N1, N2, QL1, cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, hành lang ven biển nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông toàn vùng Tây Nam Bộ.
Trong đó, tập trung sớm hoàn thiện cầu Đại Ngãi trên QL60 nối Sóc Trăng với Trà Vinh, tiếp tục đầu tư một số công trình quan trọng, cấp bách phục vụ phát triển KT-XH địa phương. Tiếp tục nâng cấp các tuyến vận tải thủy hiện; đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics, trong đó tập trung khai thác triệt để thế mạnh vận tải thủy.
Về đường biển, Bộ GTVT cam kết sẽ sớm hoàn thành dự án luồng vào cảng trên sông Hậu; nâng cấp cụm cảng Cái Cui thành cảng tổng hợp Quốc gia, xây dựng cảng chuyên dùng nhập than cho nhà máy nhiệt điện khu vực phía Đông và phía Tây; tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cảng và luồng tàu một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải….
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật thông tin về tình hình phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2010-2015 và đưa ra kế hoạch cho giai đoạn trung hạn sắp tới. |
Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhận định, hiện nay các gói đầu tư trung hạn cho việc phát triển hạ tầng giao thông cho vùng TNB còn rất hạn chế. Bộ GTVT kiến nghị ngoài việc tập trung nguồn vốn để hoàn thành các dự án đang được triển khai đầu tư (khoảng 40.496 tỷ), cần tập trung nguồn vốn để đầu tư các công trình trọng điểm nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và nâng cao năng lực kết nối của vùng.
Tổng số dự án dự kiến đầu tư mới là 78 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 104.636 tỷ đồng, và tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 là 91.581 tỷ đồng.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện