Công trình hầm Hải Vân phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ATGT khi đưa vào vận hành, khai thác |
Gần đây, nhiều báo đưa thông tin cảnh báo về chất lượng hầm Hải Vân do có những vết nứt vỏ hầm. Những vết nứt này có ảnh hưởng gì tới chất lượng hầm, liệu nó có nguy cơ mất an toàn? Đây là những vấn đề được nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý đặt ra trong bối cảnh Bộ GTVT đang triển khai việc duy tu bảo dưỡng và làm thêm hầm Hải Vân thứ hai. Thực tế, một số vết nứt vỏ bê tông hầm Hải Vân đã và đang được các đơn vị chức năng tư vấn kiểm định độc lập kiểm tra, theo dõi.
Xuất hiện nhiều vết nứt cục bộ
Từ tháng 6/2005, hầm đường bộ Hải Vân (gọi tắt Hầm Hải Vân) nối Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế chính thức khánh thành sau 5 năm thi công. Công trình hầm dài nhất Đông Nam Á này gồm 1 ống hầm chính gần 6,3km, 1 hầm thoát hiểm chạy song song hầm chính, 1 hầm thông gió, 3 hầm lọc bụi tĩnh điện và 15 hầm ngang dành cho thoát hiểm. Trước năm 2016, hầm Hải Vân được giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Công ty Quản lý hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) thuộc Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) vận hành, khai thác.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đình Bách, nguyên Tổng giám đốc Hamadeco đánh giá: vấn đề nứt vỏ bê tông hầm xuất hiện cục bộ ở một số vị trí ngay khi đưa công trình hầm Hải Vân vào khai thác. Đây là thực trạng chung của hầu hết các hầm trên thế giới khi thi công bằng phương pháp NATM. Hamadeco trong quá trình vận hành hầm đã theo dõi, quản lý và sửa chữa vỏ hầm theo các quy định hiện hành. Các vết nứt chưa ghi nhận diễn biến bất thường.
Tại đợt khảo sát kiểm tra của Bộ GTVT trước khi bàn giao nguyên trạng hầm Hải Vân cho nhà đầu tư Công ty CPĐT Đèo Cả (từ tháng 12/2015) để triển khai cải tạo hầm Hải Vân hiện tại và mở rộng hầm thoát hiểm để hầm Hải Vân lưu thông thành 4 làn xe theo phê quyệt của Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận các vết nứt trong hầm và tình trạng thiết bị trong hầm có một số hư hỏng hoặc xuống cấp cần có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa.
Theo yêu cầu của Bộ GTVT, cơ quan chủ trì là Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN) đã mời Công ty TNHH GTVT (Đại học GTVT) thực hiện việc khảo sát, đánh giá tình trạng các vết nứt của vỏ hầm Hải Vân vào cuối năm 2015 vừa qua. Kết quả khảo sát cho thấy, một số vết nứt xuất hiện trên thành hầm bên phải từ Km1- Km4 và thành hầm bên trái từ Km 1- Km8, với chiều dài vết nứt từ 1-8m. Ông Bùi Tô Hoài, Phó cục trưởng Cục QLĐB III, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu kết quả khảo sát, kiểm tra này, đánh giá: Hầu hết các vết nứt có độ rộng 0,2mm chưa cần có biện pháp theo dõi sự phát triển các vết nứt. Đối với vết nứt có độ mở rộng lớn hơn 0,2mm cần có biện pháp xử lý, ngăn chặn. Nhìn chung toàn bộ kết cấu hầm chính hiện chưa có hiện tượng gì bất thường, chưa có hiện tượng chuyển vị, biến dạng tại các đốt hầm chính; cường độ và chất lượng bê tông vỏ hầm ở mức độ khá, bê tông vỏ hầm đồng nhất; vỏ hầm không có hiện tượng thấm nước, các đốt hầm không có chênh lệch độ cao.
Các đợt kiểm tra, quan trắc vết nứt vỏ bê tông hầm Hải Vân cho kết quả không ảnh hưởng đến chất lượng khai thác công trình cũng như sự bền vững của kết cấu |
Kiểm soát vết nứt vỏ hầm
Theo ông Nguyễn Tấn Đông, Phó tổng giám đốc Đèo Cả, Giám đốc Ban QLDA Hải Vân, căn cứ các kết quả kiểm tra, quan trắc nêu trên, khi tiếp nhận công trình hầm Hải Vân, đơn vị tiếp tục mời công ty tư vấn thứ 3 độc lập từ Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện khảo sát, đánh giá kết cấu vỏ hầm bằng phương pháp quét lazer, để có thể phát hiện khe nứt rộng 0,2mm, đồng thời thí nghiệm kiểm tra chất lượng vật liệu, đo dao động và chuyển vị kết cấu vỏ hầm tại các vị trí nghi ngờ từ kết quả khảo sát tổng thể này. Kết quả sau 2 tháng (tháng 5-7/2016) “nội soi” kết cấu hầm Hải Vân, tư vấn kiểm định độc lập kết luận các vết nứt này không ảnh hưởng đến chất lượng khai thác công trình cũng như sự bền vững của kết cấu.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Quốc Hiếu, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết: Đối chiếu theo tiêu chuẩn DIN1076 của CHLB Đức, kết cấu hầm Hải Vân ở trạng thái không đáng lo ngại với điều kiện khai thác hiện nay. Hầm Hải Vân được thiết kế và thi công theo công nghệ mới của Áo (công nghệ NATM). Nguyên tắc chính của công nghệ này là để phát triển khả năng tự chống đỡ lớn nhất của đá hay đất xung quanh hầm, tạo liên kết thành kết cấu vòm chống, do đó nó trở thành một phần của kết cấu vỏ hầm làm cho tự ổn định. “Về mặt chịu lực, phần bê tông vỏ hầm không phải là kết cấu chống đỡ chính của hầm. Vết nứt ở bê tông vỏ hầm không ảnh hưởng kết cấu chịu lực”.
Theo ông Đông, để đảm bảo độ bền lâu và mỹ thuật công trình, các vết nứt có độ mở rộng từ 0,2mm trở lên sẽ được xử lý. Nhà đầu tư Đèo Cả được Bộ GTVT giao tự lo kinh phí quản lý vận hành hầm (trước đây ngân sách Nhà nước chịu và phải chi khoảng hơn 120 tỷ đồng/năm), đồng thời phải tiến hành việc nâng cấp, sửa chữa thiết bị trong hầm, hệ thống PCCC và nghiệm thu đưa vào sử dụng cuối năm 2016.
Lợi lớn từ "siêu dự án" hầm đường bộ Ngày 8/7, nhà đầu tư Đèo Cả chính thức làm lễ khởi động giai đoạn 2 dự án mở rộng hầm Hải Vân lên 4 làn xe. Tại các buổi làm việc về dự án giao thông trên địa bàn Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT, các địa phương đều khẳng định, việc mở rộng Hầm Hải Vân có ý nghĩa, hiệu quả quan trọng, góp phần đồng bộ hạ tầng QL1, xóa “điểm nghẽn” đường đèo; đem lại hiệu quả to lớn về đời sống kinh tế- xã hội cho người dân. Được đánh giá là một trong 30 hầm đường bộ lớn nhất thế giới và là hầm xây dựng đầu tiên, lớn nhất tại Việt Nam, Đông Nam Á sau hơn chục năm khai thác, giai đoạn 1 hầm Hải Vân phát huy cao tính hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, khu vực; xóa bỏ điểm đen TNGT, giảm tối đa thời gian lưu thông, chi phí và hao mòn phương tiện… Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT TP Đà Nẵng, TNGT trên đường đèo Hải Vân giờ gần như không còn. Vụ lật xe chở gas mới đây cũng không gây thương vong. Đường dẫn Nam hầm Hải Vân sau khi đưa vào khai thác xảy ra một số vụ chủ yếu do xe mất thắng, phóng nhanh vượt ẩu, tuy nhiên đơn vị quản lý hầm khắc phục kịp thời. Thống kê từ Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm, mỗi ngày trung bình có khoảng 7.500 lượt xe qua hầm. Lưu lượng phương tiện lớn, nhưng tình trạng xe va chạm, TNGT trong và ngoài đường dẫn vào hầm rất ít. Sau chục năm khai thác, có 70 vụ tai nạn trong hầm và hơn 110 vụ tai nạn ngoài hầm nhưng chủ yếu là các vụ va chạm, số người thương vong được kéo giảm tối đa. Đặc biệt, hầu như không xảy ra các vụ TNGT thương tâm. |
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện