Buổi làm việc nhằm nắm bắt tình hình, góp phần tìm ra hướng giải quyết
những khó khăn, vướng mắc trong các dự án giao thông vận tải trên địa bàn
Nội dung buổi làm việc tập trung vào các vấn đề: công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải và tình hình triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh.
Trong công tác quy hoạch, Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương trong tỉnh xây dựng, hoàn chỉnh và trình UBND tỉnh phê duyệt các quy hoạch ngành làm cơ sở triển khai thực hiện như Quy hoạch GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch đấu nối các điểm vào Quốc lộ 1, Quốc lộ 10, Quốc lộ 12B, Quốc lộ 45...
Việc ban hành các quy hoạch đã tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và thực hiện các dự án bằng nguồn vốn NSNN.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, đường bộ có 8 tuyến quốc lộ chạy qua với tổng chiều dài 263 km; tuyến đường sắt Bắc – Nam qua địa bàn có chiều dài 21,6 km, 2 km đường sắt chuyên dùng; đường thủy với 16 sông, kênh có khai thác vận tải thủy với tổng chiều dài là 298,8 km.
Các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp và làm mới trên 1.603 km, xây mới 19 cầu bê tông cốt thép, 2.068 cống các loại. Trên địa bàn có 4 tuyến đường thủy nội địa Trung ương dài hơn 155 km và 12 tuyến đường thủy nội địa địa phương dài 143 km.
Trong những năm qua, hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn đã có bước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, tập trung chủ yếu trên các tuyến sông: sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Bôi.
Bên cạnh đó, công tác quản lý vận tải, phương tiện, người lái được Sở GTVT phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ. Hiện trên địa bàn có 152 tuyến vận tải hành khách cố định với trên 259 xe, 6 tuyến xe buýt nội tỉnh với 41 xe, 10 đơn vị taxi với 821 xe... cơ bản ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân.
Vận tải hành khách theo hợp đồng có 30 đơn vị với 205 xe và 1267 xe vận tải hàng hóa các loại. Hiện nay, Sở GTVT tỉnh đang quản lý 1.168 phương tiện đường thủy, chủ yếu là loại trên 200 tấn, theo tuyến vận chuyển đi Hải Phòng, Quảng Ninh.
Cùng với đó, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm xe quá tải được siết chặt. Từ 1/4/2014 đến 31/3/2016, đã kiểm tra 29.582 phương tiện, xử lý 1.828 phương tiện vi phạm; nộp kho bạc Nhà nước trên 6,4 tỷ đồng; tước Giấy phép lái xe của 1.140 trường hợp.
Về tình hình tai nạn giao thông, tính từ 16/12/2015 đến 15/6/2016, toàn tỉnh xảy ra 78 vụ TNGT làm chết 18 người, bị thương 65 người. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ tai nạn giao thông giảm 2,5%, số người chết giảm 5,26%, số người bị thương giảm 5,8%. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến giao thông, đặc biệt là trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân và dịp Lễ hội Xuân 2016.
Về tình hình triển khai thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, các đại biểu đã thảo luận một số vấn đề của 8 dự án: Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1 (Giai đoạn II); Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Ninh Bình (ĐT 477 kéo dài); dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 10 đoạn Ninh Phúc – Cầu Điền Hộ (Km144+200 – KM187+250), tỉnh Ninh Bình; Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1 giai đoạn I; Dự án Cải tạo, mở rộng QL1A đoạn cửa phía Bắc và cửa phía Nam thành phố Ninh Bình; Dự án Nâng cấp, mở rộng Ql1A đoạn cầu Đoan Vĩ đến cửa phía Bắc và cửa Nam đến Dốc Xây, tỉnh Ninh Bình; Dự án xây dựng, nâng cấp đường tỉnh ĐT477B và cầu Trường Yên (tuyến Bái Đính – Chùa Hương); Dự án cấp bách đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 38B đoạn qua tỉnh Ninh Bình và dự án tuyến Quốc lộ 21B.
Tỉnh cũng kiến nghị Bộ GTVT bố trí vốn và triển khai thi công tuyến đường ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình; đẩy nhanh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến hành lang đường thủy số 2 (Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình) qua sông Luộc đến giảm tải cho đường bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh đến vấn đề phát triển giao thông vận tải
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh đến vấn đề phát triển giao thông vận tải, đặc biệt là công tác quy hoạch, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông vận tải cũng như phát triển giao thông đường thủy nội địa. Theo Thứ trưởng trong điều kiện nguồn vốn NSNN gặp nhiều khó khăn, tỉnh Ninh Bình cần tìm ra những giải pháp để phát huy có hiệu quả tối đa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có trên địa bàn. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện; có cơ chế hỗ trợ, phối hợp và chỉ đạo Sở có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải công cộng.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế về giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, có giải pháp khai thác hiệu quả hơn nữa hệ thống đường thủy nội địa, các bến cảng... phù hợp với xu thế phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm tất cả các dự án GTVT trong vấn đề giải phóng mặt bằng nhằm triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm của Bộ GTVT, đã cử Đoàn công tác tới Ninh Bình để nắm bắt tình hình, góp phần tìm ra hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các dự án giao thông vận tải trên địa bàn.
Nguồn: Báo Ninh Bình
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện